"Hạn chót để hoàn tất quá trình thử nghiệm và biên chế tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) RS-28 Sarmat là năm 2021. Giai đoạn sản xuất hàng loạt sẽ bắt đầu từ thời điểm đó", TASS dẫn nguồn tin giấu tên trong ngành công nghiệp quốc phòng Nga hôm qua tiết lộ.
Trung đoàn tên lửa Sarmat đầu tiên được trang bị đài chỉ huy và ít nhất hai giếng phóng cũng dự kiến đạt khả năng sẵn sàng chiến đấu trong vòng hai năm tới.
Nhà sản xuất đã hoàn thành quá trình thử nghiệm tầng đẩy sơ cấp của Sarmat trong năm nay với kết quả tốt. Nga dự kiến thử nghiệm bay hết tầm cho dòng tên lửa này vào đầu năm 2019, trước khi tiến hành các thử nghiệm cấp quốc gia để đưa Sarmat vào biên chế Lực lượng Tên lửa Chiến lược.
RS-28 Sarmat là mẫu ICBM mới nhất của Nga, có khối lượng phóng gần 110 tấn, được thiết kế để vượt qua mọi hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại cũng như tương lai, nhằm bảo đảm khả năng răn đe hạt nhân chiến lược của Nga.
Một quan chức Nga giấu tên cho biết Sarmat có tầm bắn trên 11.000 km, mang được 10-15 đầu đạn hạt nhân với tổng sức mạnh tương đương 50 triệu tấn thuốc nổ TNT, cùng nhiều thiết bị mồi bẫy để đánh lừa hệ thống phòng thủ đối phương. Các đầu đạn có tốc độ tối đa 24.900 km/h, sử dụng hệ thống dẫn đường độc lập để tấn công nhiều mục tiêu khác nhau, cũng như có thể tự chuyển hướng trong giai đoạn hồi quyển để tránh bị đánh chặn.