Tác động từ việc G7 áp trần giá dầu Nga và Liên minh châu Âu (EU) cấm nhập khẩu dầu Nga bằng đường biển đang khiến Nga mất 160 triệu euro (171,9 triệu USD) mỗi ngày, Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (CREA), trụ sở Helsinki, Phần Lan, cho biết ngày 11/1.
"Các biện pháp của EU và phương Tây cuối cùng cũng được thực hiện và có tác động như dự báo", Lauri Myllyvirta, nhà phân tích trưởng tại CREA, nói.
Nghiên cứu của CREA được thực hiện trong những tuần đầu sau khi các biện pháp hạn chế dầu Nga có hiệu lực ngày 5/12/2022. Theo CREA, thiệt hại kinh tế của Nga có thể lên đến 280 triệu euro/ngày sau 5/2, thời điểm EU sẽ dừng hẳn nhập khẩu các sản phẩm tinh chế từ dầu Nga qua đường biển.
Tuy nhiên, Nga hiện vẫn thu về 640 triệu euro (hơn 688 triệu USD) mỗi ngày từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch, được cho là đóng góp 40% vào ngân sách liên bang, CREA cho biết thêm. Trong giai đoạn tháng 3-5/2022, xuất khẩu năng lượng mang về 1 tỷ euro mỗi ngày cho Nga.
Người phát ngôn Ủy ban châu Âu từ chối bình luận về thông tin. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 11/1 bày tỏ hoài nghi về số liệu của CREA, cho rằng còn quá sớm để kết luận về các thiệt hại kinh tế của Nga và chưa thấy có trường hợp nào áp trần giá dầu với Nga.
"Không có bằng chứng nào ủng hộ cho những kết luận như vậy", ông Peskov nói.
Liên minh các nước phương Tây do G7 dẫn dắt hôm 2/12 đạt thỏa thuận về áp giá trần 60 USD/thùng đối với dầu thô Nga từ ngày 5/12. Phương Tây kỳ vọng động thái này giúp hạn chế nguồn thu từ năng lượng của Nga cũng như khả năng tài trợ cho chiến dịch quân sự của nước này tại Ukraine.
Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi giá trần là "ngớ ngẩn" và đã ký sắc lệnh cấm xuất khẩu dầu sang các quốc gia áp giá trần với dầu Nga, hiệu lực từ tháng 2/2023 để đáp trả. Phó thủ tướng Nga Alexander Novak tháng trước còn cảnh báo Moskva có thể giảm sản lượng dầu 5-7% từ đầu năm 2023.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov tháng 12 thừa nhận việc G7, EU áp giá trần với dầu Nga sẽ tác động đến ngân sách nước này, có thể làm gia tăng thâm hụt năm 2023. Moskva cũng đang tìm cách phát triển thị trường mới để tăng nguồn thu từ xuất khẩu.
Ông Putin ngày 11/1 chỉ đạo chính phủ tìm hướng khắc phục để biện pháp áp giá trần của phương Tây không khiến ngân sách Nga gặp rắc rối. Ông đưa ra các nhiệm vụ như mở rộng quan hệ kinh tế, thiết lập hành lang logistic mới, tăng cường năng lực công nghệ của kinh tế Nga và củng cố chủ quyền tài chính.
Như Tâm (Theo AP, TASS)