"Trang thiết bị tại các nhà máy, cùng tiềm năng của những viện thiết kế và cơ sở khoa học quân đội cho phép chúng tôi lấp khoảng trống tên lửa tầm trung và tầm xa phóng từ mặt đất trong thời gian ngắn nhất. Tất nhiên Nga không thể chế tạo vũ khí mới trong chớp mắt, nhưng chúng tôi có thể hoàn thiện tên lửa như vậy trong vòng 6-12 tháng để đưa vào biên chế", Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc phòng Hội đồng Liên bang Nga Viktor Bondarev hôm qua cho biết.
Ông Bondarev cảnh báo Moskva sẽ khởi động quá trình chế tạo loại tên lửa này nếu Washington nghiên cứu, sản xuất và triển khai vũ khí tương tự tại những nước thứ ba, đồng thời nhấn mạnh Nga "có thể tự bảo vệ mình" nhờ các hệ thống phòng không hiện đại như S-300 và S-400.
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Mỹ năm ngoái hai lần thử tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, vũ khí bị cấm trong Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Điều khoản INF cấm Mỹ và Nga phát triển mọi loại tên lửa hành trình và đạn đạo phóng từ mặt đất có tầm bắn 500-5.500 km, nhưng Washington đã rút khỏi thỏa thuận này từ cuối năm 2018.
"Tôi ủng hộ tái đàm phán hiệp ước INF, nhưng không phải theo các điều kiện đơn phương. Nó cần dựa trên điều khoản bình đẳng, tính tới cả số tên lửa ở những nước có khả năng sản xuất và triển khai, tiến tới kiểm soát vũ khí toàn cầu", Bondarev nói thêm.
INF được Mỹ và Liên Xô ký năm 1987, nhưng chính quyền Tổng thống Donald Trump quyết định rút khỏi hiệp ước sau khi cáo buộc Nga phát triển tên lửa 9M729 có tầm bay gần 5.000 km. Trong khi đó, Moskva cho rằng Washington không tuân thủ INF khi đặt các tổ hợp Aegis Ashore có thể phóng tên lửa hành trình Tomahawk với tầm bắn 2.500 km tại châu Âu.
Giới chuyên gia cho rằng Nga đang sở hữu nhiều tên lửa hiện đại, được coi là "những lá bài tủ" để nhanh chóng đối phó với việc Washington rút khỏi INF. Chúng vốn bị giới hạn nhiều tính năng để đáp ứng điều khoản hiệp ước, nhưng có thể được nâng cấp nhanh chóng để tạo thế cân bằng với Mỹ mà không cần chạy đua vũ trang.
Vũ Anh (Theo TASS)