"Chúng tôi đang nói về một tài liệu, cho thấy vẫn còn khả năng Ukraine gia nhập NATO", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 14/9 đề cập tới đề xuất "Hiệp ước An ninh Kiev" được Ukraine công bố một ngày trước đó.
Đề xuất 9 trang nói trên được Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Andrey Yermak và cựu tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen chuẩn bị. Tài liệu kêu gọi các nước phương Tây cung cấp "nguồn lực chính trị, tài chính, quân sự và ngoại giao" để nâng cao năng lực tự vệ của Ukraine trong những năm trước khi gia nhập NATO, tạo cơ sở cho nền quốc phòng mới.
Theo đề xuất, Ukraine và Mỹ, thành viên Liên minh châu Âu (EU) và một số quốc gia khác cần ký thỏa thuận ràng buộc.
Đề xuất này khiến Nga tức giận vì cho rằng nó củng cố quyết tâm gia nhập NATO của Kiev và là một chiến lược có thể mở đường cho việc triển khai nhiều vũ khí phương Tây hơn gần biên giới nước này. Giới chức Ukraine vài tháng trước nhiều lần ám chỉ đã từ bỏ hy vọng gia nhập NATO nhưng dường như thay đổi quan điểm theo các diễn biến trên thực địa.
Ông Peskov cho biết Nga coi việc quốc gia Đông Âu tiếp cận liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu là mối đe dọa an ninh quốc gia. "Một trong những mối đe dọa chính đối với đất nước chúng tôi vẫn còn, đồng nghĩa lý do chính của chiến dịch quân sự đặc biệt vẫn còn, thậm chí trở nên cấp bách hơn", ông Peskov nói.
Phát ngôn viên Điện Kremlin tuyên bố Nga sẽ phản ứng mạnh hơn nếu các bên ký dự thảo đảm bảo an ninh quốc tế do Ukraine đưa ra.
"Với tình hình hiện tại, khó ai có thể mang lại đảm bảo an ninh cho Ukraine nhiều hơn giới lãnh đạo nước này. Họ chỉ nên thực hiện những hành động loại bỏ mối đe dọa đối với Liên bang Nga. Kiev hoàn toàn biết rõ những mối đe dọa đó là gì", ông Peskov nói.
Bình luận được đưa ra trong bối cảnh chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga đã diễn ra hơn 6 tháng. Ukraine gần đây mở đợt phản công ở tỉnh Kharkov và tái kiểm soát nhiều khu vực lãnh thổ, trong khi chiến dịch tại tỉnh Kherson bị Nga chặn lại. Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Mỹ đánh giá chiến dịch phản công của Ukraine ở khu vực đông bắc đã "lật ngược tình thế sang hướng có lợi cho họ, song chưa thể kết thúc chiến sự".
Ukraine theo đuổi tư cách thành viên NATO là một trong những lý do dẫn đến cuộc xung đột với nước láng giềng Nga hiện nay. Ukraine đã đưa mục tiêu này vào hiến pháp năm 2019, bất chấp những cảnh báo của Nga rằng khả năng NATO triển khai lực lượng và vũ khí ở biên giới sẽ tạo thành mối đe dọa an ninh không thể chấp nhận được. Trước khi Nga mở chiến dịch quân sự hồi tháng hai, Moskva cáo buộc phương Tây phớt lờ những lo ngại chính đáng về an ninh của họ, trong khi NATO bác bỏ điều này.
Nguyễn Tiến (Theo RT, Reuters)