"Phương Tây không hiểu rằng áp giá trần với các nguồn năng lượng Nga sẽ khiến chính nơi họ đứng trở nên trơn trượt", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói hôm nay.
Bà Zakharova đưa ra bình luận sau khi các bộ trưởng tài chính của nhóm G7 đầu tháng 9 tuyên bố sẽ khẩn trương làm việc để hoàn thành và triển khai áp giá trần với dầu Nga, nhưng không nêu rõ mức trần. G7 gồm Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Anh và Mỹ.
Ủy ban châu Âu (EC) hôm 7/9 cũng đề xuất áp giá trần với khí đốt Nga để siết trừng phạt.
"Cái mà các quan chức G7 gọi là 'giá trần' sẽ trở thành giá sàn", Vyacheslav Volodin, chủ tịch Hạ viện Nga, viết trên Telegram hôm nay. "Thị trường toàn cầu không giới hạn trong 7 quốc gia".
Phương Tây đã áp hàng loạt lệnh trừng phạt với Nga để đáp trả Moskva mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi tháng 2, nhằm vào nhiều loại hàng hóa từ dầu, khí đốt cho đến vàng, kim loại, than và gỗ. Trong khi đó, Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều quốc gia khác vẫn tiếp tục mua các hàng hóa này từ Nga.
Nga là quốc gia xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Arab Saudi, và là nước xuất khẩu khí đốt lớn nhất thế giới. Châu Âu thường nhập khẩu 40% nhu cầu khí đốt, 30% nhu cầu dầu từ Nga.
Kể từ khi xung đột bùng phát ở Ukraine, Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố sẽ giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga. Moskva đã giảm hoặc dừng hẳn dòng khí đốt qua các đường ống hướng tây, chuyển hướng nguồn cung dầu sang hướng đông.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo nếu người tiêu dùng phương Tây muốn quay lưng với năng lượng Nga, Moskva sẽ xuất khẩu sang các nền kinh tế lớn ở phía đông như Ấn Độ, Trung Quốc.
Như Tâm (Theo Reuters)