"Đúng, có khả năng như vậy... chúng tôi sẽ đánh giá biện pháp này trong tương lai gần", TASS ngày 10/2 dẫn phát biểu của Phó thủ tướng Nga Alexander Novak khi được hỏi về khả năng giảm sản lượng dầu trong năm nay.
Tuyên bố được ông Novak đưa ra sau khi các nền kinh tế G7, Liên minh châu Âu (EU) và Australia áp giá trần 60 USD/thùng với dầu Nga từ ngày 5/12/2022. EU từ ngày 5/2 tiếp tục áp giá trần 100 USD/thùng với các sản phẩm cao cấp từ dầu Nga, như diesel. Với các sản phẩm khác, như dầu mazut, mức trần sẽ là 45 USD.
"Chúng tôi đang bán toàn bộ sản lượng dầu khai thác được, nhưng sẽ không bán cho các bên trực tiếp hoặc gián tiếp áp dụng giá trần", ông Novak nói. "Do đó, Nga sẽ tự nguyện giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày trong tháng 3, góp phần khôi phục các mối quan hệ trên thị trường".
Phó thủ tướng Nga cũng cho biết chưa có công ty nào của nước này nộp đơn xin thực hiện các thỏa thuận bán dầu với giá thấp hơn giá trần.
Phương Tây kỳ vọng áp trần giá dầu giúp hạn chế nguồn thu từ năng lượng của Nga cũng như khả năng tài trợ cho chiến dịch quân sự của nước này tại Ukraine. Một trung tâm nghiên cứu ở Phần Lan hồi tháng 1 ước tính Nga mất hơn 170 triệu USD/ngày vì bị áp trần giá dầu. Tuy nhiên, Nga vẫn tiếp tục bán dầu, khí đốt cho nhiều khách hàng nước ngoài và đang thu về hơn 688 triệu USD/ngày từ năng lượng.
Nhật báo Kommersant ngày 9/2 đưa tin các nhà sản xuất dầu Nga tăng sản lượng trong tuần đầu tiên của tháng 2 lên 9,9 triệu thùng/ngày, tăng 1% so với tháng 1. Sản lượng dầu của Nga năm ngoái là 535 triệu tấn (10,7 triệu thùng/ngày) nhờ doanh số bán sang châu Á tăng, đặc biệt là Ấn Độ và Trung Quốc.
Ông Novak hồi tháng 12/2022 cảnh báo Nga có thể giảm sản lượng dầu vào đầu năm 2023 để đáp trả các biện pháp hạn chế của phương Tây. Tổng thống Vladimir Putin cùng tháng đã ký sắc lệnh cấm xuất khẩu dầu sang các quốc gia áp giá trần với dầu Nga, có hiệu lực từ tháng 2.
Như Tâm (Theo Reuters, TASS)