"Quan điểm này thật quái dị. Yêu cầu điều này cũng là thứ gì đó rất khó hiểu", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 6/9 nhắc đến đề xuất coi Nga là quốc gia tài trợ khủng bố. Ông Peskov cũng bày tỏ đánh giá cao khi Tổng thống Joe Biden lên tiếng phản đối đề xuất này.
Khi được hỏi liệu tuyên bố của Tổng thống Biden có thể coi là động thái "xuống thang luận điệu chống Nga của Mỹ hay không", ông Peskov nói "đây khó có thể là lý do cho đánh giá như vậy".
Phát ngôn viên Điện Kremlin cũng khẳng định không có mối liên hệ nào giữa bình luận của Tổng thống Biden với công việc của phái bộ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine.
Trước đó, hai nghị sĩ Lindsey Graham và Richard Blumenthal kêu gọi quốc hội Mỹ thông qua dự luật coi Nga là quốc gia tài trợ chủ nghĩa khủng bố, đồng thời cho rằng ông Biden cần gia tăng áp lực hơn nữa đối với Tổng thống Vladimir Putin.
Tổng thống Biden ngày 5/9 trả lời "không" khi được phóng viên tại Nhà Trắng hỏi ông có ủng hộ đề xuất này không.
Alexander Darchiyev, vụ trưởng Vụ Bắc Mỹ của Bộ Ngoại giao Nga, ngày 12/8 cảnh báo nếu Mỹ thông qua dự luật nói trên, họ sẽ vượt lằn ranh không thể quay lại. "Điều này sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho quan hệ ngoại giao song phương, hạ cấp thấp hơn và thậm chí là cắt đứt", ông Darchiyev nói.
Quốc hội Latvia ngày 11/8 tuyên bố Nga là nhà nước tài trợ chủ nghĩa khủng bố và kêu gọi các đồng minh phương Tây áp thêm lệnh trừng phạt với Moskva. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova gọi quyết định của Latvia hoàn toàn vô căn cứ và là một phần trong chiến dịch chống Nga kéo dài.
Nguyễn Tiến (Theo TASS)