"Giai đoạn đầu của diễn tập chuẩn bị và sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật theo lệnh của Tổng thống Vladimir Putin bắt đầu tại Quân khu miền Nam, dưới sự chỉ đạo của Bộ Tổng tham mưu", Bộ Quốc phòng Nga ngày 21/5 thông báo, song không công bố địa điểm cụ thể.
Trong diễn tập, quân nhân thuộc lực lượng tên lửa của Quân khu miền Nam diễn tập khoa mục lấy đạn chuyên dụng cho tổ hợp tên lửa chiến thuật Iskander, lắp lên xe phóng và bí mật hành quân tới vị trí triển khai đã định.
Các đơn vị không quân Nga huấn luyện khoa mục trang bị vũ khí phóng từ máy bay với đầu đạn chuyên dụng, trong đó có tên lửa siêu vượt âm Kh-47M2 Kinzhal, sau đó bay tới khu vực tuần tra được chỉ định.
"Cuộc diễn tập được triển khai nhằm kiểm tra mức độ sẵn sàng tác chiến của nhân sự và trang bị của các đơn vị vũ khí hạt nhân chiến thuật để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của đất nước. Hoạt động nhằm đáp trả những tuyên bố khiêu khích và đe dọa của các quan chức phương Tây nhằm vào Nga", Bộ Quốc phòng Nga cho biết.
Quân khu miền Nam của Nga là trung tâm chỉ huy chiến dịch Ukraine, với trụ sở tại Rostov-on-Don, cách biên giới với Ukraine 60 km. Nga còn coi các khu vực mà nước này đã sáp nhập, gồm Crimea, Donetsk, Kherson, Lugansk và Zaporizhzhia, thuộc Quân khu miền Nam. Kiev phản đối động thái sáp nhập của Nga và khẳng định sẽ giành lại lãnh thổ.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật, còn gọi là vũ khí hạt nhân phi chiến lược, là loại đầu đạn cỡ nhỏ có thể gắn trên tên lửa hành trình, tên lửa chống hạm, ngư lôi, phóng từ máy bay hoặc bắn từ pháo.
Loại đầu đạn này được sử dụng để đạt lợi ích chiến thuật cụ thể trên chiến trường, thay vì tàn phá trên diện rộng như đầu đạn chiến lược lắp cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) hay bom cỡ lớn.
Các cường quốc hạt nhân thường xuyên tổ chức diễn tập để kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng hạt nhân, song hiếm khi công khai tuyên bố hoạt động này liên quan đến mối đe dọa và sự kiện cụ thể.
Tổng thống Putin đầu tháng 5 lệnh cho quân đội tổ chức diễn tập hạt nhân chiến thuật sau khi phương Tây đưa ra loạt bình luận về Ukraine, khiến giới chức Nga phản ứng gay gắt.
Trong số này có bình luận của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về việc các nước thành viên NATO "không nên loại trừ khả năng triển khai quân tới Ukraine", cùng nhận định của Ngoại trưởng Anh David Cameron rằng Ukraine có quyền phóng tên lửa phương Tây vào lãnh thổ Nga.
Nguyễn Tiến (Theo AFP, RIA Novosti)