"Trong tình hình hiện tại, Moskva và Paris không thể đạt được thỏa thuận. Pháp là một quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) và thành viên NATO. Pháp không dẫn dắt NATO", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói ngày 8/2. Ngoài bác thông tin Nga và Pháp đạt được bất cứ thỏa thuận nào để xuống thang căng thẳng, Peskov khẳng định Mỹ cần đứng ra thương lượng điều này.
Các quan chức Pháp trước đó nói rằng Tổng thống Emmanuel Macron rời Moskva với cam kết rằng quân đội Nga sẽ không ở lại Belarus sau khi hoàn thành tập trận trong tháng này, đồng thời không có động thái điều động quân đội gần Ukraine trong tương lai gần.
Peskov cho biết đợt triển khai tới Belarus của quân đội Nga có thời hạn, song họ không cam kết về thời gian kết thúc. Phát ngôn viên Điện Kremlin từ chối bình luận thông tin về các hoạt động điều động quân đội mới. Nga ngày 8/2 thông báo hải quân nước này điều lực lượng tới khu vực Biển Đen gần Ukraine.
Tổng thống Vladimir Putin và Macron hội đàm trực tiếp trong 5 tiếng tại Điện Kremlin ngày 7/2 và tổ chức họp báo chung sau đó. "Tôi thấy một số ý tưởng hoặc đề xuất của ông ấy, có lẽ còn quá sớm để nhắc đến, tương đối khả thi để tạo nền tảng cho các bước tiếp theo của chúng tôi", Putin nói về Macron.
Tổng thống Nga cũng cảnh báo nguy cơ xung đột vũ trang với NATO nếu Ukraine gia nhập liên minh quân sự của phương Tây. Putin không loại trừ khả năng phát động tiến công, dù Điện Kremlin từng khẳng định họ không lên kế hoạch làm điều này.
Phát ngôn viên Điện Kremlin nói Putin sẵn sàng tiếp tục đàm phán về các yêu cầu an ninh của Nga tại Đông Âu, song cho biết vẫn không thấy phương Tây sẵn lòng xem xét các mối quan ngại của họ. Mỹ và NATO trước đó từ chối yêu cầu của Nga về ngừng mở rộng liên minh quân sự sang khu vực Đông Âu.
Macron tới Kiev ngày 8/2 để gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. "Ông không được đánh giá thấp căng thẳng mà chúng ta đang trải qua với bản chất chưa từng có. Tôi không tin rằng cuộc khủng hoảng này có thể được giải quyết nhờ vào vài giờ thảo luận", Macron nói với Zelensky trong họp báo tại Kiev.
Tổng thống Pháp cho biết giải quyết lo ngại của Nga về NATO và sự hiện diện của liên minh ở Đông Âu chỉ là một phần trong cách tiếp cận ngoại giao mà ông theo đuổi.
Phần còn lại là giải quyết xung đột giữa quân chính phủ Ukraine và phe ly khai thân Nga ở vùng Donbass thông qua đàm phán theo mô hình "Bộ tứ Normandy" gồm Nga, Ukraine, Pháp và Đức. Phái đoàn 4 nước dự kiến gặp nhau tại Berlin tuần này để giải quyết bất đồng xung quanh các điều khoản của lệnh ngừng bắn năm 2015.
Tổng thống Zelensky nhìn nhận cuộc gặp tại Berlin sắp tới theo hướng tích cực, dù chưa thấy dấu hiệu "Nga sẽ dừng chiếm đóng Crimea" và "rút quân khỏi miền đông Ukraine". Kiev từng khẳng định Moskva rút quân là điều kiện tiên quyết cho bất kỳ thỏa thuận nào.
Căng thẳng quanh vấn đề Ukraine leo thang, sau khi Mỹ và phương Tây cáo buộc Nga tập trung hơn 100.000 quân gần biên giới với Ukraine và lên kế hoạch tiến đánh nước láng giềng. Nga bác thông tin trên, khẳng định có quyền điều quân tới mọi nơi trong lãnh thổ để phòng thủ và không có ý định tiến đánh Ukraine.
Trước đợt điều quân của Nga, Mỹ điều chiến hạm và oanh tạc cơ B-1B tham gia "diễn tập ngoài kế hoạch" của NATO tại Biển Đen, với hai thành viên của liên minh là Thổ Nhĩ Kỳ và Romania cùng Ukraine. Ngoài ra, Mỹ và một số đồng minh NATO tiếp tục bán và viện trợ vũ khí cho Ukraine. Với ủng hộ từ Mỹ, Ukraine leo thang chiến sự với phe ly khai ở miền đông sau nhiều năm chiến sự hạ nhiệt.
Xem thêm:
-Thế trận của Nga quanh Ukraine
-Ba tháng khủng hoảng Nga - Ukraine tăng nhiệt
Nguyễn Tiến (Theo NY Times)