"Chúng tôi không có thông tin nào như vậy, dường như đây lại là một nỗ lực tung tin giả khác", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết hôm nay, sau khi được đề nghị bình luận thông tin một số thành viên tập đoàn quân sự tư nhân Wagner từng tiếp cận kho hạt nhân Vorozezh-45 trong cuộc nổi loạn cuối tháng 6.
Phát biểu được đưa ra hai ngày sau khi tướng Kyrylo Budanov, lãnh đạo Tình báo Quân đội Ukraine, tuyên bố một nhóm tay súng Wagner đã đến căn cứ Voronezh-45 trong cuộc nổi loạn ngày 24/6 nhằm chiếm các thiết bị hạt nhân cỡ nhỏ từ thời Liên Xô để tăng sức ép.
Kho vũ khí hạt nhân Voronezh-45 nằm cách cao tốc M4, nơi đoàn xe Wagner đã di chuyển trong ngày nổi loạn, khoảng 200 km về phía đông. Ông Budanov là quan chức đầu tiên đề cập thông tin lực lượng Wagner định chiếm cơ sở này.
"Điều đó có thể giúp họ nâng cao vị thế trong cuộc nổi loạn. Rào cản duy nhất với các tay súng Wagner là cánh cửa bảo vệ cơ sở này. Những cánh cửa bị đóng chặt và họ không thể tiến vào khu vực kỹ thuật", tướng Budanov nói nhưng không đưa ra bằng chứng cho phát biểu của mình.
Theo Reuters, một nguồn tin thân cận với Điện Kremlin và có quan hệ với quân đội Nga đã xác nhận một số phần trong tuyên bố của tướng Budanov. Nguồn tin này cho hay một nhóm tay súng Wagner đã tìm cách tiến vào khu vực đặc biệt, khiến Mỹ bất an bởi đây là nơi cất trữ vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, giới chức Mỹ hôm 11/7 cho biết không thể xác thực tuyên bố của tướng tình báo Ukraine. "Không có dấu hiệu nào cho thấy vũ khí hoặc nguyên liệu hạt nhân bị đe dọa trong suốt thời gian đó", phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng Adam Hodge nói.
Matt Korda, quản lý Dự án Thông tin Hạt nhân thuộc Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ (FAS), cho rằng việc các nhóm vũ trang phi nhà nước vượt qua hàng rào an ninh hạt nhân của Nga là "gần như bất khả thi".
Hàng nghìn tay súng Wagner tổ chức nổi loạn hôm 24/6, sau khi ông trùm Yevgeny Prigozhin cáo buộc Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu chỉ đạo vụ tập kích vào doanh trại của tập đoàn, gây thương vong lớn. Quân đội Nga bác bỏ cáo buộc của Prigozhin, trong khi Điện Kremlin gọi lãnh đạo Wagner là "kẻ phản bội" và bác yêu sách trừng phạt lãnh đạo Bộ Quốc phòng.
Cuộc nổi loạn chấm dứt đêm 24/6, khi hai bên đạt thỏa thuận do Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko làm trung gian để Wagner rút về doanh trại. Prigozhin cũng được miễn tố và rời Nga để đến Belarus.
Vũ Anh (Theo TASS)