Đêm 23/6, ngay sau khi Yevgeny Prigozhin, người đứng đầu tập đoàn quân sự tư nhân Wagner, đăng các thông điệp cáo buộc Bộ Quốc phòng Nga tập kích tên lửa vào doanh trại của nhóm này khiến nhiều tay súng thiệt mạng và tuyên bố mở cuộc hành quân "đòi công lý", các quan chức Nga đã lập tức tìm cách liên lạc với ông này.
Thông tin được Meduza, trang tin độc lập có trụ sở tại Riga, Litva chuyên đưa tin về tình hình Nga, công bố ngày 26/6, dẫn các nguồn tin giấu tên thân cận với Điện Kremlin.
Các nguồn tin cho hay trong nỗ lực giải quyết tình hình "trong hòa bình", lãnh đạo quân đội, trợ lý Điện Kremlin và quan chức chính phủ đã tìm cách thương thảo với Prigozhin khi ông này đưa ra những cáo buộc mà Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố là vô căn cứ. Tuy nhiên, do những hành động mang tính bốc đồng của Prigozhin, các quan chức Nga gặp rất nhiều khó khăn để biết rõ trùm Wagner muốn gì.
"Yêu cầu của Prigozhin rất mơ hồ và lạ lùng. Ông ấy muốn Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu ra đi, trao quyền tự chủ cho các hoạt động của Wagner và cung cấp thêm kinh phí", nguồn tin nói.
Prigozhin ngay trong đêm ra lệnh cho hàng nghìn tay súng Wagner cùng nhiều xe tải quân sự, xe tăng, thiết giáp từ vùng Donbass ở miền đông Ukraine vượt biên giới Nga, tiến vào tỉnh Rostov ở miền nam nước này, bất chấp nỗ lực đàm phán của Moskva.
Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) ngay sau đó tuyên bố khởi tố Prigozhin và mở cuộc điều tra về hành động xúi giục nổi loạn vũ trang. Ủy ban Chống khủng bố Quốc gia Nga cũng phát thông báo yêu cầu các tay súng Wagner "dừng ngay lập tức mọi hành động phi pháp".
Nhưng Prigozhin vẫn ra lệnh cho các tay súng dưới quyền tiến vào thành phố Rostov-on-Don, kiểm soát trụ sở Quân khu miền Nam Nga. Bộ Quốc phòng Nga lúc này gọi đây là cuộc "nổi loạn", kêu gọi các thành viên Wagner rời bỏ tổ chức.
Thống đốc nhiều tỉnh của Nga lúc này bắt đầu công khai gọi Prigozhin là "kẻ phản bội" và lên án hành động của trùm Wagner, đồng thời kích hoạt cơ chế chống khủng bố ở địa phương.
Tổng thống Vladimir Putin xuất hiện trên truyền hình quốc gia, khẳng định cuộc nổi loạn của Wagner là hành vi phản quốc và những người liên quan sẽ bị trừng phạt. "Lực lượng vũ trang đã nhận được mệnh lệnh cần thiết", ông chủ Điện Kremlin tuyên bố, khẳng định cuộc nổi loạn là "cú đâm sau lưng" đối với Nga.
Prigozhin đáp lại bằng cách cho rằng Tổng thống Putin đã "phạm sai lầm sâu sắc" và tuyên bố sẽ không có tay súng nào đầu hàng. Lúc này, lực lượng Wagner đã tiến vào thành phố Voronezh và Lipetsk, nằm dọc trục cao tốc M4 nối Rostov với thủ đô Moskva.
Các nguồn tin cho hay đến trưa 24/6, trùm Wagner tìm cách liên lạc với Điện Kremlin và nỗ lực kết nối với Tổng thống Putin nhưng không thành công. Khi Tổng thống Putin từ chối nói chuyện, Prigozhin dường như nhận ra "mình đã vượt lằn ranh đỏ và tương lai đoàn quân Wagner đang tiến về Moskva là rất mờ mịt", các nguồn tin cho biết.
Vào thời điểm đó, lính Wagner đã tiến gần sông Oka, nơi quân đội và Lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga thiết lập tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại lực lượng này.
Nhận thấy thay đổi trong thái độ và tính toán của Prigozhin, Điện Kremlin được cho là đã quyết định "tránh đổ máu" với Wagner và tiến hành nỗ lực đàm phán cuối cùng.
Theo một nguồn tin thân cận với cuộc đàm phán, Prigozhin đã "kiên quyết đòi có sự tham gia của các quan chức hàng đầu". Khi Tổng thống Putin không có ý định nói chuyện với Prigozhin, các quan chức không có nhiều lựa chọn.
Phụ trách cuộc đàm phán là Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, đồng minh thân cận của Tổng thống Putin và là người có quan hệ tốt với Prigozhin nhiều năm qua. Các thành viên trong đoàn đàm phán còn có bao gồm Chánh văn phòng Điện Kremlin Anton Vayno, thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev, đại sứ Nga tại Belarus Boris Gryzlov.
"Ông Prigozhin cần có một bên thứ ba đáng tin cậy để tìm lối thoát và giữ thể diện. Đó là lúc Tổng thống Lukashenko xuất hiện và nhận lời thúc đẩy đàm phán", nguồn tin cho hay. "Về mặt công khai, động thái này phần nào giúp ông Lukashenko trở thành người cứu nước Nga khỏi tình cảnh đổ máu".
Văn phòng Tổng thống Belarus ra thông báo cho hay ông Lukashenko đã trao đổi với Tổng thống Vladimir Putin nội dung chi tiết về cuộc đàm phán thỏa thuận hạ nhiệt căng thẳng với Prigozhin.
Theo thông báo của phía Belarus, Prigozhin được cung cấp "một phương án thuận lợi và có thể chấp nhận được để giải quyết tình hình, với sự đảm bảo an ninh cho các thành viên Wagner", nhưng không nêu chi tiết.
Tối 24/6, Prigozhin bất ngờ lệnh cho lính Wagner đang tiến đến Moskva quay về doanh trại để "tránh đổ máu". Lực lượng Wagner nhanh chóng rút khỏi Rostov-on-Don và Voronezh, tất cả hạn chế an ninh trên cao tốc Nga được nới lỏng.
Rạng sáng 25/6, Điện Kremlin thông báo Prigozhin sẽ rời Nga tới Belarus và không truy tố ông cùng các thành viên Wagner nổi loạn. Vụ án hình sự với Prigozhin sẽ được hủy, lãnh đạo Wagner sẽ được đảm bảo rời Nga an toàn, nhưng không rõ ông sẽ làm gì hay được đối xử thế nào ở Belarus. Giới chức Belarus đến nay chưa cung cấp thêm thông tin về Prigozhin.
Dù vậy, giới quan sát cho rằng thỏa thuận này cũng sẽ chấm dứt mọi vai trò và tham vọng chính trị của Prigozhin, người từng được coi là đồng minh thân cận của ông Putin. Các bên sẽ thảo luận thêm chi tiết liên quan đến tương lai của Prigozhin, nhưng ông trùm Wagner nhiều khả năng sẽ không còn ảnh hưởng và nguồn lực như cũ.
"Một khi đã tiến hành nổi loạn vũ trang, Prigozhin sẽ không còn bất kỳ chỗ đứng nào trong hệ thống chính trị ở Nga", nguồn tin nói với Meduza. Điện Kremlin chưa bình luận về các thông tin trên.
Đức Trung (Theo Meduza)