"Thông tin trên các phương tiện truyền thông rằng tiêm kích F-35I của Israel qua mặt được hệ thống phòng không Nga ở Syria và tiến hành trinh sát tầm cao là hoàn toàn nhảm nhí", Sputnik ngày 30/3 dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết.
Trước đó, truyền thông Israel dẫn nguồn báo Al-Jarida của Kuwait cho hay hai tiêm kích tàng hình F-35I của Israel đã do thám Iran, Iraq và Syria ở độ cao lớn, sau khi vượt qua hệ thống radar cảnh giới được Nga bố trí tại Syria.
Nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết từ năm 1960 tới nay, không quốc gia nào tiếp tục hoạt động trinh sát tầm cao trên không phận nước khác, bởi mọi vật thể hoạt động ở độ cao lớn trên bầu trời đều rất dễ bị phát hiện và tiêu diệt. Lưới cảnh giới của Nga tại Syria đủ khả năng bảo vệ an toàn căn cứ quân sự nước này ở Tartus và Hmeymim, cũng như phát hiện tiêm kích tàng hình F-35I, trừ khi chúng liên tục bay sát mặt đất để tránh radar.
Quân đội Nga cho biết lực lượng phòng không Syria hồi tháng trước cũng chứng minh năng lực phát hiện và bắn hạ tên lửa không đối đất, vốn có diện tích phản xạ radar nhỏ hơn nhiều so với tiêm kích F-35I.
Israel đặt mua của Mỹ 25 chiếc F-35 lần đầu vào tháng 9/2008 và tăng gấp đôi đơn hàng lên 50 chiếc vào tháng 10/2014. Nước này đã nhận bàn giao và đưa vào biên chế 9 chiếc F-35I "Adir" (Người vĩ đại) được tích hợp nhiều công nghệ nội địa. Với hợp đồng này, Israel là quốc gia duy nhất ngoài Mỹ được quyền can thiệp và chỉnh sửa các hệ thống trên máy bay F-35.
Trên lý thuyết, Syria và Israel vẫn trong tình trạng chiến tranh sau cuộc chiến năm 1967. Căng thẳng giữa hai nước gia tăng trong thời gian gần đây, sau hàng loạt cuộc không kích do không quân Israel tiến hành nhằm vào lãnh thổ Syria, cũng như vụ tiêm kích F-16I của Israel bị lực lượng phòng không Syria bắn hạ.
Tử Quỳnh