"Gazprom cung cấp khí đốt cho nhiều khách hàng ở châu Âu, trong đó có cả các nước thành viên NATO. Gazprom đã nhiều lần thể hiện độ tin cậy với tư cách là một công ty cung cấp năng lượng cho châu Âu. Do đó, những thông tin như này rất có thể chỉ là trò lừa bịp", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết hôm 13/5, khi được hỏi về thông tin Nga có kế hoạch cắt khí đốt tới Phần Lan.
Ông Peskov nhấn mạnh chưa nhận được thông tin nào về khả năng dừng cung cấp khí đốt tới Phần Lan và chỉ đề cập tới yêu cầu thanh toán khí đốt Nga bằng đồng ruble.
"Cần làm rõ thông tin về cơ chế thanh toán của Gazprom do Tổng thống Putin đã ban sắc lệnh về cơ chế thanh toán khí đốt mới bằng đồng ruble. Tôi không rõ cách các công ty Phần Lan thanh toán và liệu họ có thực hiện theo quy định mới hay không", phát ngôn viên Điện Kremlin nói thêm.
Tờ Iltalehti của Phần Lan hôm 12/5 dẫn nguồn giấu tên cho biết các chính trị gia nước này đã được cảnh báo rằng Nga có thể cắt khí đốt một ngày sau đó. Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan Antti Kaikkonen nói không thể xác nhận thông tin này.
Phát ngôn viên của Gasgrid Phần Lan, tập đoàn vận hành hệ thống cung cấp khí đốt của quốc gia Bắc Âu, cho biết chưa thấy dấu hiệu của bất cứ sự gián đoạn nào đối với dòng khí đốt từ Nga. Tuy nhiên, ủy ban chuẩn bị ứng phó tình huống khẩn cấp của Phần Lan cũng khẳng định đã sẵn sàng đối phó khả năng Nga cắt khí đốt.
Phần Lan nhập khẩu phần lớn khí đốt từ Nga, song loại nhiên liệu này chỉ chiếm khoảng 5% tổng năng lượng tiêu thụ hàng năm của nước này. Tuy nhiên, nếu Nga cắt khí đốt, các công ty trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thực phẩm sẽ phải tìm nguồn cung thay thế hoặc điều chỉnh sản xuất.
Ngoài đường ống nối với Nga, mạng lưới cung cấp khí đốt của Phần Lan còn kết nối với châu Âu thông qua đường ống BalticConnector chạy từ nước này tới Estonia.
Tổng thống Sauli Niinisto và Thủ tướng Sanna Marin ngày 12/5 tuyên bố "Phần Lan phải nộp đơn xin gia nhập NATO ngay lập tức". Nga cảnh báo sẵn sàng đáp trả động thái này và sẽ coi Phần Lan cùng nước láng giềng Thụy Điển là "mục tiêu tấn công" nếu họ gia nhập NATO.
Ngọc Ánh (Theo TASS)