Tờ Iltalehti của Phần Lan dẫn các nguồn tin giấu tên hôm nay cho biết các chính trị gia chủ chốt của Phần Lan đã được cảnh báo rằng Nga có thể ngừng cung cấp khí đốt tới nước này trong ngày mai. Tờ báo không nêu rõ cảnh báo đến từ đâu, song động thái cắt nguồn cung khí đốt sẽ gây ra các vấn đề lớn đối với một số ngành công nghiệp và sản xuất thực phẩm của Phần Lan.
Trước khi xuất hiện thông tin này, tập đoàn Nga Gazprom đã cảnh báo có thể cắt khí đốt đến Phần Lan vào ngày 21/5, nếu nước này không chấp nhận thanh toán bằng ruble sau thời hạn 20/5.
Tytti Tuppurainen, Bộ trưởng Vấn đề châu Âu và Quyền sở hữu Phần Lan, đầu tháng này tuyên bố Helsinki đã quyết định không chấp thuận các điều khoản thanh toán khí đốt do Nga đưa ra. Giới chức Phần Lan cho hay nếu bị Nga cắt khí đốt, họ sẽ cần tìm các nguồn thay thế như từ đường ống Kết nối Baltic, hoặc giảm quy mô sản xuất trong nước.
Thông tin cắt khí đốt vào ngày 13/5 xuất hiện sau khi Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto đồng ý cho nước này gia nhập NATO "càng sớm càng tốt", quyết định mang tính bước ngoặt trong chính sách an ninh quốc gia. Chính phủ và quốc hội Phần Lan dự kiến sớm thông qua động thái xin gia nhập liên minh quân sự.
Điện Kremlin gọi việc Phần Lan gia nhập NATO là mối đe dọa đối với Nga, nhấn mạnh sự mở rộng của khối không làm châu Âu hoặc thế giới ổn định hơn, trong khi Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố Moskva sẽ cần thực hiện "các bước trả đũa để ngăn chặn các mối đe dọa đang nổi lên đối với an ninh quốc gia".
Nga ngày 11/4 cảnh báo nếu Phần Lan và Thụy Điển từ bỏ chính sách không liên minh quân sự trong nhiều thập kỷ và gia nhập NATO, Nga sẽ buộc phải khôi phục cán cân quân sự bằng cách tăng cường phòng thủ tại khu vực Baltic, trong đó có triển khai vũ khí hạt nhân tới đây.
Phần Lan có đường biên giới dài hơn 1.300 km với Nga. Họ trở thành nước trung lập thông qua hiệp ước hữu nghị với Liên Xô năm 1948, với kỳ vọng ngăn tái diễn cuộc chiến Phần Lan - Liên Xô năm 1939 từng khiến hơn 80.000 binh sĩ nước này thiệt mạng.
Xuyên suốt thời Chiến tranh Lạnh, quốc gia Bắc Âu duy trì tôn chỉ không liên kết, bất chấp sức ảnh hưởng từ cả hai khối do Liên Xô và Mỹ dẫn đầu. Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, Phần Lan dần chuyển trọng tâm đối ngoại sang phương Tây, đánh dấu với quyết định gia nhập EU năm 1995.
Huyền Lê (Theo Guardian)