Chính phủ New Zealand bắt đầu nới lệnh phong tỏa từ 0h ngày 27/4, cho phép người dân được đi câu cá, lướt sóng, săn bắn và leo núi sau một tháng áp đặt các lệnh hạn chế đi lại nghiêm ngặt để khống chế sự lây lan của Covid-19.
Khoảng 400.000 người sẽ quay lại làm việc sau khi chính quyền hạ cảnh báo Covid-19 từ mức 4 xuống mức 3. Tuy nhiên, các cửa hàng và nhà hàng vẫn phải đóng cửa vì một số lệnh hạn chế chưa được dỡ bỏ.
5 triệu người dân New Zealand đã sống dưới một trong những lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất thế giới nhằm đối phó Covid-19 khi chính phủ của Thủ tướng Jacinda Ardern ra lệnh đóng cửa mọi công sở, trường học, quán bar, nhà hàng, bao gồm cả dịch vụ giao hàng và mua mang đi từ hôm 26/3. Bãi biển, bờ sông, sân chơi công cộng đều bị đóng cửa, người dân chỉ được phép đi lại trong phạm vi nhà ở và khu phố xung quanh.
Cuối tuần trước, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh đã chuẩn bị kế hoạch mở cửa trở lại, trong khi vẫn duy trì các quy định giãn cách xã hội. Ngành dịch vụ ăn uống thông báo kế hoạch giao hàng phi tiếp xúc. Ngành bán lẻ trưng bày bộ sưu tập mới nhất trên trang web cho đơn giao hàng tận nhà. Các cao ốc văn phòng đăng quy định giãn cách xã hội trên thang máy và khu vực công cộng.
Quốc hội và tòa án cũng bắt đầu làm việc lại từ 28/4. Tuy nhiên, bà Arden nhấn mạnh nước này vẫn cấm tụ họp đông người nơi công cộng, khuyến khích người dân ở nhà hoặc chỉ tiếp xúc với người thân.
Người câu cá chỉ được phép thả câu trên bờ, trong khi các hoạt động chèo thuyền, đi thuyền, thể thao tập thể hoặc huấn luyện theo đội vẫn bị cấm. Thợ săn được phép săn bắn trên đất tư nhân và phải tuân thủ các quy định hạn chế đặc biệt.
"Chúng ta cần đảm bảo không để nCoV vuột khỏi tầm kiểm soát và tạo ra làn sóng lây nhiễm và tử vong mới", bà Arden phát biểu trong họp báo hôm nay. "Để thành công, chúng ta cần truy tìm những ca nhiễm nCoV cuối cùng".
New Zealand đã báo cáo 1.122 ca nhiễm, 19 ca tử vong do nCoV. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy niềm tin vào chính phủ ở New Zealand và nước láng giềng Australia tăng lên sau khi Covid-19 bùng phát, lãnh đạo hai nước đều được khen ngợi về cách xử lý khủng hoảng.
Tỷ lệ nhiễm mới ở hai quốc gia đều chưa tới 1% trong hai tuần qua, thấp hơn nhiều so với những nước khác. Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến chỉ trích Thủ tướng Arden, cho rằng New Zealand có thể đạt được kết quả tương tự trong khi vẫn áp dụng lệnh hạn chế ít nghiêm ngặt hơn như ở Australia.
Thương mại và du lịch đóng góp 200 tỷ USD vào kinh tế New Zealand. Để hai ngành này tái khôi phục sẽ là một thử thách lớn với bà Arden khi cuộc bầu cử toàn quốc sẽ diễn ra vào tháng 9.
Ngoài New Zealand, một số quốc gia châu Âu cũng đã có những động thái nới phong tỏa đầu tiên.
Tây Ban Nha từ 26/4 cho phép trẻ em dưới 14 tuổi ra ngoài hoạt động sau hơn một tháng bị "cấm cửa" theo lệnh phong tỏa. Số ca tử vong vì nCoV ở quốc gia gia này đã giảm xuống dưới 300, lần đầu tiên sau nhiều tuần. Tây Ban Nha ghi nhận 207.634 ca nhiễm và 23.190 ca tử vong, tỷ lệ lây nhiễm mới ở mức 0,8%, giảm từ 3% trong những tuần gần đây và giảm 38% từ khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc hôm 14/3.
Italy, quốc gia đầu tiên ở châu Âu áp dụng lệnh phong tỏa hồi tháng 3, có thể tái khôi phục các hoạt động sản xuất vào 4/5, nhưng trường học phải tới tháng 9 mới mở cửa. Nước này ghi nhận gần 200.000 ca nhiễm nCoV với ít nhất 26.384 ca tử vong.
Pháp, quốc gia thực thi lệnh phong tỏa trong nhiều tuần qua, sẽ xem xét nới lỏng các hạn chế sau khi Thủ tướng Édouard Philippe trình bày kế hoạch tái khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh trước quốc hội vào 28/4 và chờ kết quả bỏ phiếu. Pháp ghi nhận 125.000 ca nhiễm và ít nhất 22.614 ca tử vong.
Một số quốc gia châu Âu khác bao gồm Bỉ, Hy Lạp và Malta cũng đã tuyên bố nới lỏng hạn chế.
Một nhà dịch tễ học hàng đầu Hong Kong cảnh báo nới lỏng phong tỏa ở châu Âu thời điểm này còn quá sớm và đây là lúc cần sử dụng "các biện pháp quyết liệt" để giảm tỷ lệ lây nhiễm.
Hồng Hạnh (Theo Reuters)