Tôi là bác sĩ mới ra trường chưa đầy một năm. Tôi thấy gần đây đang xảy ra khá nhiều vụ bạo hành y tế được đăng tải, phần nhiều độc giả đều cho rằng “không có lửa làm sao có khói”, những vụ bạo hành y tế đều do thái độ của nhân viên y tế mà ra. Tôi mạn phép đưa ra những ý kiến của mình, vì là chủ quan nên có thể đúng, có thể sai, mong mọi người không đánh đồng với toàn bộ nhân viên y tế.
Từ lúc còn là sinh viên tôi đã được học môn Y đức từ năm 2, trong quá trình 6 năm học tôi và các bạn luôn nằm lòng câu “Lương y như từ mẫu”, phải luôn đứng trên góc độ của bệnh nhân, dĩ hòa vi quý, dù người ta có khó chịu với mình cũng nên thông cảm với bệnh nhân vì họ đang mang bênh tật trong người, các em sinh viên nếu có bệnh cũng cáu gắt như thế. Còn trong mối quan hệ với y sĩ, điều dưỡng, y tá các em sinh viên luôn phải tôn trọng, học hỏi từ những nhân viên y tế đó vì tuy họ có “địa vị” trong bệnh viện thấp hơn mình nhưng lại có nhiều năm kinh nghiệm, nên nhớ hãy luôn tôn trọng và đặt mình vào hoàn cảnh của người khác.
(Xem thêm: 'Bác sĩ có thái độ ban ơn dễ bị thân nhân người bệnh bạo hành')
Nhưng đời không như mơ. Lúc đang ngồi trên ghế giảng đường chúng tôi có thể thực hiện những quy tắc đó được (vì hơi phũ một chút, trong bệnh viện sinh viên là tầng lớp gần cuối cùng), nhưng ra đi làm nếu vẫn thực hiện những điều lương thiện đó thì không ổn xíu nào. Trước tiên đối với bệnh nhân, nếu bác sĩ hòa nhã thì sự thực bệnh nhân sẽ khôngtôn trọng và nể phục như đối với một người ít nói, đĩnh đạc (mặc dù vị bác sĩ hòa nhã sẽ chiếm được cảm tình hơn). Thứ hai nếu cư xử nhượng bộ với y sĩ, điều dưỡng, y tá thì họ sẽ có tâm lý không tôn trọng, lấn lướt, phản ánh cấp trên và nhiều điều khó chịu khác.
Tôi chuyển qua chỗ làm khác vì lý do không phù hợp thời gian và một phần vì ở nơi cũ chèn ép tôi quá. Sang nơi mới tôi quyết định từ khi bắt đầu vào làm mặt kênh kiệu lên, dĩ nhiên vẫn phải tuân thủ những nguyên tắc giao tiếp và nguyên tắc của xã hội, nhưng nếu có ai phàn nàn về tôi thì tôi sẽ bật lại ngay, không dĩ hòa vi quý như trước. Gặp bệnh nhân vô lý thì tôi không chịu đựng như ngày trước mà từ chối không tiếp bệnh nhân đó hoặc nếu đã giải thích với họ thì chuyển họ đi (tôi không làm ở khoa cấp cứu nên chuyển đi sẽ không ảnh hưởng đến tính mạng hay chất lượng cuộc sống của bệnh nhân). Nợ lương tôi dù chỉ một ngày tôi sẽ gọi điện đến bộ phận tài chính chứ không “nghĩ trên phương diện của những người trả lương rồi thông cảm” như trước và nhiều điều khác nữa. Sau khi thể hiện thái độ cứng rắn ở nơi làm mới tôi được mọi người tôn trọng hơn, không còn bị chèn ép đến phát khóc như chỗ cũ.
Tôi nói dài như vậy để muốn đề cập một điều, khi người ngoài thấy bác sĩ khó gần, khó chịu, có thể do một số bác sĩ có tư tưởng như tôi, rằng nếu chúng tôi không lạnh lùng, không tỏ ra uy thế, đĩnh đạc trầm sâu…có thể nhiều bệnh nhân sẽ không tin tưởng vào năng lực của chúng tôi, nhất là với những bác sĩ mới ra trường kinh nghiệm còn ít và nhìn “trẻ măng”. Nước trong quá không có ai chơi nên lâu lâu phải làm nước đục một chút thì cuộc đời mới ổn được. Xin cảm ơn mọi người đã đọc bài.
Giang Dang
Chia sẻ ý kiến của bạn tại đây.
>> Xem thêm: Con tôi mới sinh có khối u nhưng bác sĩ bảo 'không sao đâu'