- Ông đã "bén duyên" với nghiệp kinh doanh như thế nào?
- Tháng 9/1991, tôi đầu quân vào ngành vải sợi và thành lập Công ty cổ phần thương mại Đồng Khánh, quận 5, TP HCM. Đây là công ty cổ phần đầu tiên của Việt Nam thời bấy giờ. Lúc ấy Luật Công ty có hiệu lực vào ngày 1/7/1991, khuyến khích các thành phần kinh tế lập công ty để kinh doanh. Sở Thương mại TP HCM (nay là Sở Công thương) khuyến khích tôi thành lập công ty cổ phần để tạo điển hình cho quá trình phát triển kinh tế của thành phố. Bởi lẽ, thời điểm đó, nền kinh tế đang chuyển từ bao cấp sang cơ chế thị trường, cần một mô hình điển hình để nghiên cứu.
- Từ kinh doanh vải sợi đột ngột chuyển sang ngành bất động sản, điều gì đã hấp dẫn ông?
- Tôi đến với bất động sản từ những phát hiện tình cờ. Có dạo giá nhà đất TP HCM bỗng nhiên tăng lên khá cao gây sự chú ý đối với tôi. Năm 1993-1996 tôi thử nghiệm tập tành mua bán nhà đất bên cạnh việc kinh doanh vải sợi. Mãi đến năm 1999 tôi gặp một người bạn là anh Võ Anh Tuấn, rồi cùng thành lập Công ty cổ phần Vạn Phát Hưng. Đây cũng là giai đoạn tôi bước vào kinh doanh bất động sản chuyên nghiệp.
Tháng 11/2007 tôi không còn làm tổng giám đốc Vạn Phát Hưng nữa. Đến tháng 4/2008, tôi tập trung hỗ trợ con tôi xây dựng Công ty cổ phần Nhà Việt Nam, định hướng sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp cho đến nay.
Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nhà Việt Nam ủng hộ VnExpress.net bình chọn danh sách người giàu trên sàn chứng khoán và đề nghị nên xếp hạng từ cao xuống thấp với số lượng thống kê được mở rộng lên 500 người, để thể hiện rõ thành quả, sự nỗ lực phấn đấu của từng cá nhân và doanh nghiệp. Ảnh: Vũ Lê. |
- Ông đã đối mặt những thăng trầm gì trong ngành bất động sản?
- Tôi vào nghề bất động sản từ năm 1996, đến nay đã 14 năm. Điểm xuất phát thời đó là Việt Nam chưa có thị trường bất động sản, giá đất còn rất thấp so với hiện nay. Tôi đã gặp được nhiều may mắn nhờ những lần giá đất có biến động mạnh. Thời đó, có những lúc mình không cần phải làm gì nhưng giá đất tăng vọt cũng khiến cho mình được hưởng lợi rất nhiều. Tuy nhiên cũng có những bước trầm, khi bất động sản đóng băng hoặc một số chính sách điều chỉnh khiến thị trường trở nên chùng xuống.
Nếu nói về giai đoạn khó khăn nhất đối với Nhà Việt Nam thì phải kể đến năm 2008. Lúc đó đột nhiên các ngân hàng không cho vay bất động sản và lãi suất tăng cao, kèm theo giá nhà đất đi xuống. Trước khó khăn như vậy, đòi hỏi doanh nghiệp phải có lòng can đảm, quyết đoán mới đủ sức lèo lái con thuyền vượt qua sóng lớn.
Bí quyết vượt qua giai đoạn này là, ngay cả trong thời kỳ "sung sướng" nhất của bất động sản là năm 2007 cũng không được vung tay quá trán. Doanh nghiệp tôi đã có sự chuẩn bị vốn cẩn thận theo phương châm ngay cả lúc no cũng phải nghĩ đến lúc đói. Quan điểm đầu tư của Nhà Việt Nam là đầu tư chắc từng bước, theo hình thức đầu tư tập trung, không chạy đua dàn trải. Nhờ vậy, chúng tôi mới vượt khó thành công.
Ông Thành cho rằng kinh nghiệm vượt qua khủng hoảng là ngay cả lúc sung sướng nhất cũng không được vung tay quá trán. Ảnh: T.V. |
- Năm 2010 vẫn còn nhiều bất ổn sau cuộc khủng hoảng dài. Chứng khoán giảm, bất động sản trầm lắng, doanh nghiệp đứng trước nhiều khó khăn. Vì sao ông vẫn thu xếp để doanh nghiệp lên sàn trong năm 2010?
- Việc niêm yết trên sàn chứng khoán là cần thiết vì khi minh bạch tài chính thì khách hàng có lòng tin với doanh nghiệp hơn. Đây cũng là kênh huy động vốn được nhiều doanh nghiệp sử dụng. Tuy nhiên việc huy động vốn hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn vì thị trường chứng khoán đang suy giảm. Thêm vào đó, các doanh nghiệp địa ốc cũng phải đối mặt với rất nhiều thách thức khi diễn biến vĩ mô không ổn định về chính sách quản lý bất động sản, tài chính, thuế, lạm phát kéo dài…
Đối với Nhà Việt Nam, chúng tôi thu xếp niêm yết vào tháng 3/2010 với mã NVN. Tháng 9/2010 chúng tôi đã phát hành thành công 40 tỷ đồng trái phiếu, thời hạn 1 năm. Trong bối cảnh suy thoái, để có được lòng tin của người mua trái phiếu, Nhà Việt Nam phải dùng uy tín và năng lực vượt khó để thuyết phục cổ đông và trái chủ. Chúng tôi luôn đặt lợi ích cổ đông lên hàng đầu, thực hiện cho bằng được những cam kết đã hứa với đại hội cổ đông. Tổng kết năm 2010, chúng tôi lãi 50 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch do đại hội cổ đông giao.
Dự án The Boat Club Residences do Công ty cổ phần Nhà Việt Nam làm chủ đầu tư. Ảnh: T.V. |
- Ông dự báo gì về diễn biến thị trường bất động sản năm 2011?
Năm 2011 rất khó đoán, nhưng tôi cho rằng giá sẽ đi ngang. Nếu lãi suất ngân hàng ở mức cao thì sản xuất và tiêu thụ bất động sản đều giảm. Xét độ khó khăn cho cả thị trường bất động sản kể từ tháng 3/2008 thì giai đoạn hiện nay là khó nhất. Tháng 12 này là thời điểm "căng" vì lãi suất cao, chính sách quản lý của nhà nước đang thắt chặt thị trường bất động sản, tính thanh khoản kém.
Tôi cũng cho rằng tháng 12 cũng là cột mốc quan trọng trong chu kỳ khủng hoảng 2008-2010. Nhiều doanh nghiệp bất động sản có vẻ đuối, một số dự án đã được bung ra để chào bán với giá rẻ, thị trường đang trong trạng thái mỏi mệt.
Riêng tôi không có kỳ vọng gì lớn vào năm 2011. Năm này giá bất động sản vẫn đi ngang, trừ một số khu vực có hạ tầng kết nối hoàn thiện sẽ tăng giá, nhưng không đáng kể. Tuy nhiên, nếu lãi suất vẫn ở mức cao, thuế bất động sản không giảm, tiền đồng Việt Nam mất giá... thì giá nhà đất sẽ phải tăng nhiều.
- Ông đánh giá như thế nào về thống kê danh sách người giàu trên sàn chứng khoán của VnExpress.net? Nhiều người hứng khởi khi được tôn vinh trong danh sách này, vậy còn ông?
Ông Trần Văn Thành sở hữu cổ phiếu ở cả hai công ty: Công ty cổ phần Vạn Phát Hưng (mã chứng khoán VPH) và Công ty cổ phần Nhà Việt Nam (mã chứng khoán NVN). Trong đó, VPH bắt đầu giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM từ tháng 9/2009, còn NVN giao dịch từ tháng 3/2010. Tính đến cuối tháng 12, tổng giá trị của số cổ phiếu VPH và NVN mà ông Thành đang nắm giữ đạt khoảng 104 tỷ đồng, giúp ông đứng ở vị trí số 134 trong danh sách những người giàu trên sàn chứng khoán do VnExpress.net thống kê, tổng hợp. |
- Tôi ủng hộ VnExpress.net đưa thông tin này vì công chúng có nhu cầu được biết và đánh giá một cách khách quan. Tuy nhiên, thay vì xếp hạng top 100 người giàu, tôi đề nghị VnExpress.net mở rộng giới hạn đến 500. Bởi lẽ, dù doanh nhân xếp hạng thứ bao nhiêu thì đó cũng là thông tin về thành quả mà họ đã nỗ lực xây dựng, cống hiến.
Hầu như những người làm kinh doanh đều có chung niềm đam mê và thích nhảy vào những thử thách. Khi gặt hái được kết quả kinh doanh tạm gọi là thành công thì đó là phần thưởng lớn lao nhất hơn cả mọi danh hiệu. Đây là tâm trạng chung.
Còn việc người ta có cảm giác như thế nào trước việc được xếp hạng người giàu thì cũng tùy quan điểm. Có người thích nhưng cũng có người không. Người thích thì cho rằng đó là sự tưởng thưởng. Người không thích thì cho rằng mình bị mất quyền riêng tư. Riêng tôi nghĩ rằng, cuộc sống có lúc thăng trầm, điều cốt yếu là làm sao giữ được trạng thái ổn định về tài chính, sức khỏe. Giữ cân bằng về mặt tâm lý là quan trọng nhất, không nên đặt nặng việc chạy đua thành tích.
Vũ Lê