Trời mưa lất phất, có lúc lại đổ ào nhưng tôi tranh thủ chạy xe đến thăm lại "nhà lầu ông Phủ", vì một nỗi sợ, e sợ một ngày nào đó mình sẽ không còn thấy căn biệt thự cổ đã tròn trăm tuổi đó đó nữa.
Đây không phải lần đầu tiên tôi đến thăm lại ngôi biệt thự cổ này nhưng trước thông tin hơn một nửa diện tích căn nhà nằm trong phạm vi dự án đường ven sông Đồng Nai nên phải đập bỏ làm tôi rất tiếc.
Ngôi biệt thự cổ có kiến trúc rất đẹp, mặt hướng ra sông Đồng Nai - con sông nội địa lớn nhất nước ta. Khi tôi đến thăm thì thấy thật bất ngờ, khi có nhiều người từ các địa phương khác cũng đến vì tiếc nuối một mai biệt thự cổ này sẽ không còn nên đến chụp ảnh nhằm lưu giữ lại những gì còn sót lại của thời gian.
Tôi quan sát thấy, nhiều người dân địa phương ở Bửu Long cũng đứng nhìn chung quanh và thở dài tiếc nuối cho hình ảnh đã quen thuộc với họ có nguy cơ một mai đi vào dĩ vãng.
Tôi đã từng đi dọc sông Đồng Nai và quan sát thấy một điều thú vị rằng, nội chỉ riêng ở đoạn sông dọc thành phố Biên Hòa đã có nhiều di tích nằm ven sông, từ Bửu Long hướng về Cù Lao Phố đã có những di tích nổi bật như: Đền thờ Đức Ông Nguyễn Hữu Cảnh, Đền thờ Đức Ông Nguyễn Tri Phương, Đình Tân Lân, Thất Phủ Cổ Miếu, làng gốm Tân Vạn...và "nhà lầu ông Phủ" là một trong những di tích nổi bật dọc sông.
Nếu khai thác sẽ rất hiệu quả trong việc giáo dục lịch sử văn hóa địa phương cho học sinh và các hoạt động văn hóa, du lịch, điện ảnh...
Dự án xây dựng đường, kè ven sông Đồng Nai, đoạn từ thành phố Biên Hòa đến huyện Vĩnh Cửu với hơn 5,2 km, có ý nghĩa rất quan trọng đối với tạo không gian hướng sông cho phát triển đô thị Biên Hòa, phục vụ thiết thực cho đời sống nhân dân.
Tuy nhiên trong quá trình triển khai nếu phát sinh liên quan đến các công trình văn hóa, lịch sử thì có thể điều chỉnh để vừa đảm bảo cho công trình được tiến hành theo tiến độ mà vẫn giữ được những di tích lịch sử văn hoá là hay nhất.
Quan điểm của tôi, việc giữ lại biệt thự cổ này sẽ rất hữu ích, phát huy được nhiều lợi ích cho đời sống văn hóa hơn là phá dỡ, vì biệt thự này có thể cải tạo, trùng tu lại không những phục vụ cho hoạt động văn hóa, du lịch mà còn phục vụ cho một số lĩnh vực khác như giúp các sinh viên các ngành kiến trúc, mỹ thuật, xây dựng có thêm một kênh tư liệu để nghiên cứu; để lấy một số bối cảnh, nhất là trong phim cổ trang.
Thậm chí có thể cải tạo lại để phục vụ cho hoạt động lưu trú du lịch cũng hợp lý. Rất mong các cấp thẩm quyền xem xét và có phương án bảo tồn ngôi biệt thự cổ có giá trị văn hoá, lịch sử này đặc biệt là xem xét, tổng hợp các ý kiến của một số chuyên gia, nhà khoa học đề xuất các phương án bảo tồn ngôi biệt thự cổ này.
Chiều 20/9, đoàn công tác UBND Đồng Nai gồm các chuyên gia kiến trúc, nhà khoa học và quản lý địa phương thị sát biệt thự cổ để tìm giải pháp giữ lại thay vì phải đập bỏ nhằm giải phóng mặt bằng cho dự án làm đường. Sau khi kiểm tra, ghi nhận nguyện vọng chủ nhân ngôi nhà, Sở Xây dựng sẽ tổng hợp ý kiến các sở ban ngành để trình UBND tỉnh Đồng Nai xem xét, quyết định. Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, có nhiều cách để giữ lại ngôi biệt thự cổ này. Thứ nhất có thể nhờ "thần đèn" di dời vào bên trong và dành quỹ đất biến thành điểm đến về văn hóa, du lịch. Cách thứ hai chủ đầu tư nắn lại tuyến đường lấn ra sông một chút để giữ lại ngôi nhà cổ. Dự án đường ven sông Đồng Nai dài 5,2 km từ cầu Hóa An, TP Biên Hòa đến xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu, khởi công, tổng kinh phí 1.300 tỷ đồng. Hiện dự án vẫn chưa hoàn thành do vướng mặt bằng. |
Thái Công