Trả lời:
Lẩu là món ăn hấp dẫn trong mùa lạnh, được nhiều người ưa thích và luôn là sự lựa chọn hàng đầu trong thực đơn mỗi khi tụ họp. Thói quen vừa ăn lẩu, vừa nhâm nhi, trò chuyện dần trở nên phổ biến, có khi 3-4 tiếng mới xong bữa, điều này không tốt cho sức khỏe.
Bạn chỉ nên ăn lẩu trong vòng hai giờ trở lại. Việc ăn kéo dài sẽ khiến dạ dày phải làm việc liên tục, các dịch vị, dịch mật, tụy phải tiết ra nhiều để xử lý lượng thức ăn nạp vào cơ thể, có thể gây rối loạn tiêu hóa. Ngoài ra, chất lượng bữa ăn cũng không đảm bảo vì thực phẩm được ngâm nấu lâu sẽ biến chất, mất dinh dưỡng.
Thời gian ăn kéo dài cũng có thể khiến lượng thực phẩm nạp vào cơ thể nhiều hơn, dễ gây tăng cân. Đặc biệt, nước lẩu rất giàu chất béo và cholesterol, sử dụng quá nhiều có thể làm tăng nguy cơ bệnh gout và tăng axit uric máu.
Để dạ dày hấp thụ sinh dưỡng tốt hơn, nên uống một chút nước lọc trước bữa ăn, sau đó tiêu thụ rau, cuối cùng mới đến thịt. Khi ăn, nên thái mỏng thực phẩm, nhúng chín hoàn toàn với thời gian khoảng một phút. Với thực phẩm có vỏ dày như tôm, sò, ốc, hay thực phẩm dạng viên, cần nhúng trên 5 phút khi nồi nước lẩu đang sôi.
Không nên ăn lẩu liên tục trong tuần vì tần suất này có thể ảnh hưởng hệ tiêu hóa, rối loạn cân bằng dinh dưỡng. Để điều độ, chỉ nên ăn lẩu với khoảng cách thời gian 1-2 tuần một lần.
Bác sĩ Nguyễn Hoài Thu
Viện Y học Ứng dụng Việt Nam