Trả lời:
Giá đỗ chứa nhiều dưỡng chất như protein, các vitamin nhóm B, C, E, đồng, sắt, magie, kẽm. Giá đỗ cũng có nhiều chất xơ, ăn sống hoặc nấu cùng thịt, rau củ. Đây là thực phẩm tốt cho người đang mắc các bệnh lý tim mạch, cao huyết áp, cholesterol máu, ung thư. Tùy khẩu vị mỗi người lựa chọn ăn sống hoặc nấu chính.
Thực tế, ăn giá đỗ sống có thể hấp thu nhiều vitamin và khoáng chất hơn. Tuy nhiên, môi trường để trồng giá đỗ nóng ẩm, rất dễ nhiễm hai loại khuẩn phổ biến là Salmonella và E.coli. Khi ngộ độc, người bệnh có triệu chứng buồn nôn, sốt, đau quặn bụng, đi ngoài nhiều, đi ngoài phân có máu. Ngoài ra, nhiều cơ sở trồng giá đỗ phun thuốc kích thích để thu hoạch nhanh, khiến thực phẩm dễ bị nhiễm hóa chất. Về lâu dài, hóa chất sẽ tích tụ trong cơ thể, ảnh hưởng đến sức khỏe. Thực phẩm sống không tốt với người già, hệ miễn dịch kém hoặc người mắc bệnh tiêu hóa.
Thực phẩm chần qua nước sôi có thể diệt được vi khuẩn, giúp bạn yên tâm hơn, nhất là người có bệnh tiêu hóa, đường ruột. Bạn có thể nấu giá đỗ với thực phẩm khác để tăng hương vị, đậm đà hơn.
Tuy nhiên, nhiệt độ cao diệt được vi khuẩn song không diệt được độc tố. Nhiều thực phẩm đã diệt sạch vi khuẩn nhưng độc tố vẫn còn, vẫn có nguy cơ gây độc, ví dụ như pate đóng kín.
Cách tốt nhất là mua thực phẩm rõ nguồn gốc, an toàn. Nếu nghi ngờ hoặc không yên tâm về thực phẩm, bạn có thể ngâm nước nhiều lần, không cần ngâm nước muối.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh
Nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm
Đại học Bách khoa Hà Nội