Sáng 31/5, ngày đầu tiên Gò Vấp cách ly xã hội nhưng "ông chủ" Phạm Minh Hiền, 34 tuổi, vẫn dậy sớm đến nhà hàng trên đường Lê Đức Thọ, phường 17 để nhận thực phẩm. Các shipper không thể giao hàng ra khỏi quận nên anh đã ngưng bán online nhưng anh còn phục vụ những "khách hàng" khác là hàng trăm chiến sĩ công an, dân quân đang làm nhiệm vụ ở các điểm cách ly trong địa bàn quận.
Nhận xong thực phẩm, anh Hiền nhẩm tính, thực đơn của 145 suất cơm trưa nay có món vịt kho gừng, canh, rau xào và cam vắt. Nhân viên đã được cho nghỉ gần hết nên để kịp thời gian, anh Hiền cùng bạn của mình là chị Yến Anh và một nhân viên bếp thay nhau làm hết mọi công đoạn.
Gần 11h trưa, xe công vụ của quận đến, người trong bếp mang những hộp cơm nóng hổi xếp ngay ngắn lên xe, chuyển đến các chốt chống dịch đang làm nhiệm vụ.
"Dịch bệnh là khó khăn chung, mọi người đều đã mất mát, vất vả và ‘đuối’ trong hơn một năm qua. Nếu chỉ cố tìm cách để cứu sống mình thì cũng khó. Cách tốt nhất là cùng vịn nhau mà đi, mỗi người đóng góp một chút với khả năng của mình", chàng trai 34 tuổi nói như để giải thích cho việc mỗi ngày nấu hàng trăm suất cơm miễn phí, phục vụ lực lượng tuyến đầu.
Anh Hiền vừa khai trương nhà hàng tháng trước. Khi thành phố bắt đầu xuất hiện thêm nhiều ca bệnh mới, anh chuyển hẳn sang bán online nhưng lợi nhuận chỉ đủ bù lỗ. Tuy vậy, mỗi ngày anh vẫn dặn nhà bếp làm dư vài chục suất cơm, đặt trước cửa để tặng những lao động nghèo gặp khó khăn trong đại dịch.
Bốn ngày trước, tình hình dịch ở quận Gò Vấp trở nên phức tạp. Nhiều ca bệnh mới đồng nghĩa với việc xuất hiện nhiều điểm phong tỏa, chứng kiến lực lượng công an, dân quân làm nhiệm vụ ở những nơi đó vất vả, anh Hiền quyết định nấu cơm tặng họ.
Không làm một mình, anh nhận được sự chung tay từ người bạn thân là chị Nguyễn Thị Yến Anh, 33 tuổi, chủ một doanh nghiệp kinh doanh nông sản. Anh Hiền lấy nhà hàng làm điểm nấu cơm. Thực phẩm được nhập từ những đối tác cũ, chị Yến Anh hỗ trợ thêm một phần kinh phí và trái cây tươi.
"Tôi nghĩ Nhà nước, các ban ngành quận đang dồn hết sức phục vụ nhân dân rồi. Tôi là người dân nhưng ít bị ảnh hưởng nên muốn góp sức phục vụ lại các anh chị tuyến đầu", chị Yến Anh nói.
Anh Huỳnh Đức Hưng, một chiến sĩ công an đang làm nhiệm vụ tại một điểm cách ly ở quận Gò Vấp chia sẻ: "Hằng ngày nhận được những hộp cơm, anh em chúng tôi thấy rất ấm lòng. Dòng chữ 'Anh chị cố lên' trên hộp cơm như tiếp thêm động lực để tiếp tục nhiệm vụ".
Có hôm, đã 3 giờ chiều, chị Yến Anh biết tin các anh chị ở Hội phụ nữ phải làm việc quá tải để phục vụ những người dân cách ly.
Muốn gửi đến họ những phần cơm ngon, chất lượng nên chị đã gọi điện về Vũng Tàu nhờ ba mẹ chồng gói gấp chục ký giò gửi lên Sài Gòn trong đêm. Hôm sau, giò được anh Hiền làm món rim, thêm canh rau củ, bắp cải xào, tráng miệng dưa hấu.
Dù đã cho nhiều nhân viên tạm nghỉ việc nhưng khi thấy anh Hiền nấu cơm, nhiều người đã tình nguyện xin anh trở lại nhà hàng phụ không công. Nhưng để đảm bảo đúng yêu cầu giãn cách của thành phố, nhà hàng của anh không lúc nào quá 4 người.
Mỗi ngày, các món ăn đều được anh Hiền lên thực đơn, gọi điện đặt nguyên liệu giao đến cửa hàng. Ba ngày đầu, anh Hiền chỉ nấu 101 suất nhưng hôm nay, số lượng đã tăng lên 145 suất. Hiện tại, toàn bộ kinh phí đều do hai người tự chủ động, không vận động thêm từ ai. Sau khi thấy việc làm của anh chị, nhiều đối tác cung cấp thực phẩm, bạn bè cũng muốn góp tiền, thực phẩm để nấu cơm. Tuy nhiên, anh Hiền đều từ chối, mới chỉ nhận 80 kg gạo và một ít rau từ hai đối tác.
"Dịch bệnh ai cũng khó khăn cả, mọi người cứ để dành phần đó, nếu thấy hoàn cảnh nào khó khăn hơn thì giúp đỡ. Hiện tại, sức tôi vẫn còn làm được, ít nhất là hết 15 ngày giãn cách này. Nếu lúc nào không kham nổi thì tôi sẽ lên tiếng", anh Hiền nhắn.
Diệp Phan