"Chúng tôi sẽ gửi lời mời Ukraine gia nhập NATO khi các đồng minh đồng ý và những điều kiện được thỏa mãn", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu với báo giới tại Vilnius, Litva hôm nay.
Tuyên bố chung của khối cũng khẳng định "tương lai của Ukraine là ở trong NATO" và bỏ yêu cầu Kiev phải hoàn thành Kế hoạch Hành động Thành viên (MAP), giảm bớt một trở ngại trên lộ trình gia nhập của Ukraine. Tuy nhiên, NATO không đưa ra lời mời gia nhập chính thức và cũng không nêu rõ Ukraine cần thỏa mãn những điều kiện nào để trở thành thành viên.
Các lãnh đạo NATO khẳng định liên minh sẽ giúp Ukraine đạt tiến bộ trong khả năng phối hợp tác chiến của quân đội cũng như các cải cách về dân chủ và an ninh. Đây được coi là những tiêu chuẩn cần thiết mà Kiev cần đáp ứng để được kết nạp vào NATO.
NATO tổ chức họp thượng đỉnh tại Vilnius trong hai ngày 11-12/7. Các lãnh đạo liên minh thảo luận về nhiều vấn đề, trong đó có tư cách thành viên của Ukraine, biện pháp đảm bảo an ninh tạm thời cho Kiev, bên cạnh nỗ lực viện trợ quân sự hiện nay.
Tổng thống Volodymyr Zelensky tháng 9/2022 ký đơn xin gia nhập NATO, yêu cầu liên minh nhanh chóng kết nạp Ukraine. Tuy nhiên, các thành viên NATO vẫn chia rẽ về đề nghị của Ukraine, với một số nước lo ngại động thái có thể đẩy liên minh đến gần một cuộc xung đột với Nga.
Trong thông điệp trên Telegram hôm nay, ông Zelensky cho rằng "sẽ thật lố bịch nếu Ukraine không được cung cấp khung thời gian cụ thể cho một lời mời gia nhập hoặc tư cách thành viên NATO". Người phát ngôn tổng thống Sergiy Nykyforov sau đó nói ông Zelensky đã đến Vilnius cùng ngày.
"NATO sẽ giúp Ukraine an toàn hơn, và Ukraine giúp NATO mạnh hơn", ông Zelensky phát biểu trước đám đông tại sự kiện #UkraineNATO33 tổ chức bên lề thượng đỉnh NATO, với sự tham gia của Tổng thống Litva Gitanas Nauseda.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh của liên minh ở Vilnius, Litva ngày 11/7. Ảnh: AFP
Theo ông Stoltenberg, các thành viên NATO cũng nhất trí thiết lập 2% GDP là mức chi tiêu quốc phòng tối thiểu. "11 đồng minh đang đạt hoặc vượt ngưỡng 2%", tổng thư ký NATO nói. "Và chúng tôi kỳ vọng số lượng này sẽ tăng trong năm 2024".
NATO còn cáo buộc Trung Quốc đang gia tăng thách thức đến trật tự thế giới dựa trên cơ sở luật pháp, kêu gọi các đối tác trong liên minh tiếp tục đối thoại với Bắc Kinh.
Trung Quốc chưa bình luận về thông tin.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov trước đó tuyên bố Nga sẽ theo dõi sát sao hội nghị thượng đỉnh của NATO.
"Nga bị các lãnh đạo NATO coi là kẻ thù, đối thủ. Các cuộc thảo luận ở Vilnius sẽ diễn ra theo hướng này", ông Peskov nói. "Chúng tôi đang theo dõi sự kiện một cách cẩn thận, bởi những điều họ nói sẽ được phân tích kỹ, từ đó, chúng tôi có biện pháp phù hợp đảm bảo cho an ninh của chính mình".
Như Tâm (Theo AFP, Reuters)