"Chúng tôi đang thực hiện mọi biện pháp đề phòng cần thiết để bảo vệ các nhân viên, bao gồm tạm thời di chuyển một số người tới những địa điểm khác, cả trong và ngoài Iraq", một quan chức giấu tên thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hôm nay cho biết.
Lực lượng NATO tại Iraq gồm hàng trăm đào tạo viên, cố vấn và nhân viên hỗ trợ từ các quốc gia thành viên NATO và những nước nằm ngoài liên minh. Nhiệm vụ của họ là đào tạo lực lượng an ninh Iraq nhằm ngăn chặn sự trở lại của nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Trước đó, phát ngôn viên NATO Dylan White cho biết các hoạt động huấn luyện tại Iraq của liên minh bị đình chỉ, nhưng vẫn duy trì lực lượng ở đây.
Bộ Quốc phòng Đức hôm nay thông báo khoảng 30 binh sĩ của nước này thuộc liên quân chống IS đồn trú tại Iraq sẽ được điều tới Jordan và Kuwait. Động thái này diễn ra sau khi quốc hội Iraq hôm 5/1 bỏ phiếu thông qua nghị quyết yêu cầu chấm dứt sự hiện diện của quân đội nước ngoài tại quốc gia này. Tuy nhiên, một nguồn tin cho biết Pháp không có kế hoạch rút quân khỏi Iraq.
Căng thẳng tại Trung Đông leo thang sau khi Mỹ không kích hạ sát thiếu tướng Iran Qassem Soleimani bên ngoài sân bay Baghdad, Iraq hôm 3/1, khiến Tehran tức giận và thề trả đũa Washington. Quân đội Mỹ tại Trung Đông đang được đặt trong tình trạng báo động cao nhằm đối phó với các mối đe dọa tiềm tàng.
Ánh Ngọc (Theo Reuters)