"Bất kỳ ý kiến nào cho rằng các đồng minh sẽ không bảo vệ lẫn nhau sẽ làm suy yếu toàn bộ an ninh của chúng ta, trong đó có Mỹ", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 11/2 ra tuyên bố cho hay.
Bình luận của ông Stoltenberg được đưa ra sau khi cựu tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc vận động tranh cử tại bang Nam Carolina ngày 10/2 tiết lộ nội dung trao đổi tại một hội nghị của NATO khi ông còn tại chức.
"Tôi sẽ không bảo vệ các vị. Trên thực tế, tôi sẽ khuyến khích Nga làm bất cứ thứ gì họ muốn. Các vị phải chi tiền trước", ông Trump cho biết câu trả lời khi được "lãnh đạo một quốc gia lớn" đặt hỏi Mỹ có bảo vệ nước này nếu họ không đóng góp đủ ngân sách cho liên minh và bị Nga tấn công hay không.
Bình luận viên David Corn của MSNBC nhận định thông điệp của ông Trump "như đang khuyến khích Nga tấn công các đồng minh NATO". Alyssa Farah Griffin, nhà phân tích có khuynh hướng bảo thủ, cho rằng đây là điều Tổng thống Nga Vladimir Putin "rất muốn nghe".
Ông Stoltenberg lưu ý phát biểu của cựu tổng thống Mỹ "khiến binh lính Mỹ và châu Âu gặp nguy hiểm hơn". "Tôi hy vọng cho dù ai đắc cử tổng thống, Mỹ sẽ vẫn là đồng minh mạnh mẽ và tận tâm trong NATO", Stoltenberg nhấn mạnh.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel chỉ trích bình luận của ông Trump là "liều lĩnh". "Liên minh xuyên Đại Tây Dương đã củng cố an ninh và thịnh vượng của người Mỹ, Canada và châu Âu 75 năm qua", ông Michel đăng trên X ngày 11/2.
"Những tuyên bố liều lĩnh về an ninh của NATO và Điều 5 chỉ phục vụ lợi ích của Tổng thống Nga Putin, không tăng cường an ninh hay hòa bình cho thế giới. Ngược lại, những tuyên bố đó cũng một lần nữa nhấn mạnh EU cần khẩn trương phát triển hơn nữa quyền tự chủ chiến lược và đầu tư vào năng lực phòng vệ", ông Michel nêu thêm.
Nhà Trắng trước đó phản ứng gay gắt với phát biểu của ông Trump. "Khuyến khích quốc gia khác tấn công các đồng minh thân cận nhất của chúng ta là hành động kinh khủng và điên rồ, gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia và nền kinh tế của Mỹ cũng như ổn định toàn cầu", phát ngôn viên Nhà Trắng Andrew Bates nói.
Điều 5 hiệp ước NATO quy định bất cứ cuộc tấn công nào nhằm vào một thành viên của khối cũng được coi là đòn tấn công nhằm vào cả liên minh và NATO sẽ phối hợp đáp trả.
Trong thời kỳ tại nhiệm, ông Trump nhiều lần cảnh báo Mỹ sẽ không tuân thủ Điều 5 nếu các nước thành viên NATO không đáp ứng mục tiêu chi tối thiểu 2% GDP cho quốc phòng. Cựu tổng thống Trump cũng từng dọa rút Mỹ khỏi NATO, cho rằng tổ chức này đã "lỗi thời" và làm tiêu tốn quá nhiều tài nguyên của Washington.
Ông Trump chưa tiết lộ chính sách đối ngoại cụ thể nếu chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống cuối năm nay, song các thành viên NATO ở châu Âu gần đây đang chạy đua tăng ngân sách quốc phòng để chuẩn bị cho viễn cảnh ông trở lại Nhà Trắng.
Nhiều nguồn tin thân cận với các chính phủ châu Âu cho biết những cuộc thảo luận về cách chuẩn bị và ứng phó với thay đổi trong chính quyền Mỹ đã được đưa ra.
Huyền Lê (Theo AFP)