Ba trinh sát cơ săn ngầm Tu-142MK của không quân Nga ngày 27/6 bay theo kế hoạch tại vùng biển quốc tế thuộc Biển Barents và Biển Na Uy, buộc không quân Na Uy, một thành viên NATO, điều tiêm kích F-16 giám sát.
Cùng ngày, 4 chiếc Tu-142MK khác hoạt động tại vùng biển quốc tế ở phía bắc Thái Bình Dương và bị tiêm kích F-22 của Mỹ bám theo để giám sát, Bộ Quốc phòng Nga cho biết.
7 trinh sát cơ của Nga được các tiêm kích MiG-31 hộ tống, thực hiện chuyến bay kéo dài khoảng 11 tiếng. Bộ Quốc phòng Nga khẳng định các máy bay nước này tuân thủ chặt chẽ quy định quốc tế và không xâm phạm không phận bất cứ quốc gia nào.
Hạm đội Biển Đen của Nga ngày 26/6 điều tiêm kích Su-30SM tiếp cận và theo dõi nhóm máy bay của Mỹ hoạt động trên không phận quốc tế ở Biển Đen. Phi công Su-30SM xác định biên đội máy bay Mỹ gồm trinh sát cơ RC-135, máy bay tiếp liệu KC-135 và máy bay săn ngầm P-8A Poseidon. Chiếc KC-135 tiếp nhiên liệu trên không cho trinh sát cơ RC-135 ngay trước mắt phi công Nga.
Hồi tháng 3, tiêm kích F-16 và F-35 của Na Uy cùng tiêm kích đa năng Typhoon của Anh tiếp cận biên đội máy bay trinh sát săn ngầm Tu-142MK và máy bay chuyển tiếp liên lạc Tu-142MR. Một tiêm kích hạng nặng MiG-31 của Nga mang tên lửa tầm xa bay tới, tăng tốc và cắt mặt nhóm tiêm kích châu Âu, ngăn chúng tiếp cận biên đội hai chiếc Tu-142.
Tu-142 được chế tạo trên nền tảng oanh tạc cơ chiến lược Tu-95, thực hiện nhiệm vụ tuần thám biển và săn ngầm. Biến thể Tu-142MK được nâng cấp với nhiều hệ thống cảm biến hiện đại, radar cảnh giới và dẫn bắn cho tên lửa hành trình. Tu-142MK có bán kính hoạt động 6.500 km, mang theo 9 tấn vũ khí và trang bị gồm phao thủy âm, thủy lôi, ngư lôi và tên lửa hành trình diệt hạm Kh-35.
Nguyễn Tiến (Theo Zvezda)