"NATO đã tăng cường sự hiện diện ở Biển Đen, chúng tôi có nhiều tàu và máy bay ở khu vực này hơn so với năm ngoái. Tất nhiên chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình sau sự việc cách đây vài ngày", AFP dẫn lời Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg hôm qua phát biểu.
Stoltenberg yêu cầu Nga chấm dứt cuộc đối đầu, nhanh chóng trả tự do cho thủy thủ và các tàu chiến Ukraine, cũng như bảo đảm quyền tự do đi lại cho tàu bè trên Biển Đen. Tuy nhiên, ông bác bỏ yêu cầu triển khai tàu chiến tới Biển Azov do Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đề xuất, nhằm ngăn khủng hoảng leo thang.
Ngoại trưởng 29 nước thành viên NATO sẽ gặp người đồng cấp Ukraine trong hôm nay để bàn về vụ Nga nổ súng bắt ba tàu chiến Ukraine. Stoltenberg mong các bên gửi "thông điệp rõ ràng tới Nga", nhưng khẳng định sẽ không có biện pháp ủng hộ thực tế cho Ukraine.
Một nhà ngoại giao giấu tên cho biết ý tưởng điều tàu chiến theo đề nghị của Kiev chưa từng được đề xuất trong các cuộc họp của NATO. "Ukraine là một nước đối tác, không phải thành viên đầy đủ của NATO", nhà ngoại giao này nói thêm.
Căng thẳng giữa Nga và Ukraine đang gia tăng sau sự việc cảnh sát biển Nga hôm 25/11 nổ súng khống chế, bắt ba tàu chiến Ukraine cùng 24 thủy thủ với cáo buộc xâm phạm lãnh hải, có hành vi nguy hiểm và không tuân thủ yêu cầu dừng tàu của cảnh sát biển nước này. Ukraine phủ nhận, nói rằng tàu của họ hành động đúng theo luật pháp quốc tế.
Chính quyền Ukraine tuyên bố thiết lập tình trạng thiết quân luật ở một số khu vực giáp biên giới Nga, khu vực ven bờ Biển Đen và Biển Azov trong 30 ngày. Tổng thống Poroshenko hôm 30/11 ban hành lệnh cấm các công dân Nga từ 16 tuổi đến 60 tuổi nhập cảnh.
Azov là vùng biển nằm giữa lãnh thổ Nga và Ukraine. Lực lượng biên phòng Ukraine hồi tháng 3 bắt một thuyền đánh cá của Nga, động thái được Moskva ví như "cướp biển có tổ chức". Nga sau đó cũng bắt hai ngư dân Ukraine với cáo buộc đánh cá trộm.