"Vì Nga đã bắt trái phép tàu và giam các thủy thủ của Ukraine, tàu Nga cũng phải bị bắt", Thủ tướng Ukraine Vladimir Groisman ngày 30/11 trả lời phỏng vấn tờ Die Welt của Đức.
Thủ tướng Ukraine trước đó có cuộc hội đàm với người đồng cấp Đức Angela Merkel về tình hình ở Biển Azov bên lề diễn đàn doanh nghiệp Đức - Ukraine tại Berlin. Sau cuộc gặp, Groisman cho biết bà Merkel đã cam kết sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt với Nga và nêu vấn đề Nga bắt tàu Ukraine tại Hội nghị G20 ở Argentina.
Tuy nhiên, giới quan sát quốc tế nhận định tuyên bố của Groisman về biện pháp đáp trả Nga là liều lĩnh bởi hầu hết các quốc gia phương Tây đều không muốn can thiệp vào cuộc khủng hoảng ngày càng leo thang giữa Moskva và Kiev. "Cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga đã bị hủy. Do đó, chúng ta có thế thấy Mỹ sẽ không can thiệp và châu Âu cũng như vậy", chuyên gia chính trị Alexander Rechmedilov phân tích.
Cảnh sát biển Nga bắt ba tàu chiến Ukraine với cáo buộc xâm phạm lãnh hải và có hành động nguy hiểm trên Biển Đen vào ngày 25/11. Ukraine tuyên bố tàu của họ hoạt động đúng theo quy định của luật pháp quốc tế, yêu cầu Nga trao trả người và phương tiện ngay lập tức. Ukraine cũng thiết quân luật trong 30 ngày, từ 28/11, tại các vùng giáp biên giới Nga và gần nơi binh sĩ Nga đóng quân.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko sau đó kêu gọi đồng minh cử tàu hỗ trợ Ukraine đối phó Nga. Tuy nhiên, đến nay các nước phương Tây mới chỉ dừng lại ở việc lên án Nga mà không có các động thái điều tàu chiến đến Biển Đen và Biển Azov.
Quan hệ giữa Moskva và Kiev xấu đi sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và phong trào đòi ly khai nổ ra ở miền đông Ukraine từ năm 2014. Vụ Nga bắt tàu chiến Ukraine được cho là sẽ khiến quan hệ giữa hai nước leo thang, nhưng nhiều khả năng không châm ngòi cho xung đột quân sự quy mô lớn.