"Nhiệt độ ghi nhận được trong tuần này là chưa từng có, nhiều người đã thiệt mạng, nguy cơ cháy rừng đã ở mức cao nguy hiểm", Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết hôm 30/6.
Canada ngày thứ ba liên tiếp ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục vào hôm 29/6, với mức nhiệt 49,5 độ C ở Lytton, cách Vancouver khoảng 250 km về phía đông.
Sở cảnh sát Vancouver hôm 30/6 thông báo đã phản ứng với hơn 98 ca đột tử kể từ 25/6, phần lớn liên quan tới nắng nóng. "Chưa bao giờ tôi trải qua thời tiết tồi tệ như thế này", Rosa, một người dân địa phương cho biết. "Tôi hy vọng thời tiết sẽ không bao giờ như thế này nữa, thật quá sức chịu đựng".
Bộ Môi trường Canada cho biết đợt nắng nóng gay gắt ở Vancouver sẽ dịu đi từ 30/6 nhưng nhiệt độ nóng bất thường sẽ kéo dài tới hết tuần. Biến đổi khí hậu đang khiến việc các địa phương ghi nhận nhiệt độ kỷ lục thường xuyên hơn. 5 năm nóng nhất toàn cầu đều xảy ra trong vòng 5 năm qua.
"Chúng ta đang chứng kiến ngày càng nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan trong những năm qua. Vì vậy, chúng ta thừa hiểu đợt nắng nóng lần này sẽ không phải lần cuối", Trudeau nói.
Cái nóng kinh hoàng kéo dài tới vùng lãnh thổ Bắc Cực của Canada được cho là do một "vòm nhiệt" áp suất cao giữ lại không khí nóng trong vùng. Nhiệt độ ở các thành phố Portland và Seattle thuộc tây bắc Thái Bình Dương của Mỹ đạt mức chưa từng thấy từ năm 1940, với mức nhiệt lần lượt là 46,1 và 42,2 ngày 28/6.
John Horgan, thủ hiến British Columbia, khu vực bao gồm Vancouver, cho hay đây là "tuần nóng nhất mà người dân British Columbia từng trải qua", gây "hậu quả tai hại cho các hộ gia đình và cộng đồng".
Cơ quan điều tra của tỉnh cho biết ghi nhận 486 ca tử vong từ 25/6 tới 30/6, gần gấp ba lần so với mức trung bình 165 người. Nắng nóng buộc trường học, các trung tâm tiêm chủng ở Vancouver phải đóng cửa, chính quyền phải đặt vòi phun nước và trạm phun sương ở các góc phố.
Các thành phố khắp miền tây nước Mỹ và Canada đã mở các trung tâm làm mát và bố trí nhân viên phát nước, mũ cho người dân.
Hồng Hạnh (Theo AFP)