Nhiệt độ ghi nhận được ở Lytton hôm 27/6 đạt xấp xỉ 116 độ F (khoảng 46 độ C), theo cơ quan môi trường Canada. Mức nhiệt cao nhất từng báo cáo ở Canada là 45 độ C, được ghi nhận ở hai thị trấn Yellow Grass và Midale, thuộc tỉnh bang Saskatchewan vào ngày 5/7/1937.
Nhiệt độ ở Lytton chỉ thấp hơn một độ so với mức kỷ lục được ghi nhận ở thành phố Las Vegas, Mỹ.
"Các khu vực phía tây Canada nóng hơn cả Dubai. Ý tôi là điều này không thường thấy ở Canada", David Phillips, nhà khí hậu học thuộc Bộ Môi trường và Biến đổi khí hậu Canada, nói.
Tại Vancouver, nhiều cư dân đổ xô tới công viên, bãi biển và hồ bơi để tránh nóng khi nhiệt độ lên tới gần 32 độ C, mức kỷ lục ở một thành phố ven biển thường có khí hậu ôn hòa.
Tuy nhiên, cơ quan môi trường Canada dự đoán mức kỷ lục ở Lytton sẽ sớm bị vượt qua, khi đợt nắng nóng dự kiến kéo dài thêm vài ngày nữa. CTV News dự đoán nhiệt độ Lytton có thể chạm ngưỡng 47 độ C vào ngày 29/6.
Ngoài Canada, nhiều bang Mỹ thuộc khu vực tây bắc Thái Bình Dương đang hứng chịu đợt nắng nóng kỷ lục, với mức nhiệt cao tới hơn 44 độ ở thành phố Portland, bang Oregon hay hơn 39 độ C ở thành phố Seattle, bang Washington.
Giới chuyên gia về hiện tượng nóng lên toàn cầu cho biết hiệu ứng "vòm nhiệt" quy mô lớn sẽ thường xuyên xuất hiện tại khu vực tây bắc Thái Bình Dương trong tương lai, khi biến đổi khí hậu tái định hình các mô hình thời tiết trên toàn thế giới.
Đợt nắng nóng kỷ lục đã khiến nhu cầu sử dụng quạt và điều hòa, cũng như lượng điện sử dụng ở Canada tăng vọt cuối tuần qua. Bên cạnh đó, cơ quan môi trường cảnh báo nắng nóng có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe cho trẻ nhỏ, người già, phụ nữ mang thai và người mắc bệnh mạn tính.
Thanh Tâm (Theo Washington Post)