Từng là phó thị trưởng, Li Haihua sau đó làm việc tại Bộ Nông nghiệp rồi trở thành chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hiếu Cảm, tỉnh Hồ Bắc. Một vị trí trong ban chấp hành đảng ở địa phương giúp Li có thể củng cố quyền lực.
Khoảng 9h sáng một ngày tháng 7, Li, 56 tuổi, nhảy từ tầng 11 tòa nhà trụ sở chính quyền thành phố xuống đất, cảnh sát địa phương cho hay. Căn hộ của Li tại thành phố dường như cũng không còn ai ở trong. Vợ và con gái ông không thể liên lạc được.
Cư dân thành phố có cái nhìn khác nhau về cái chết của Li. "Tôi cảm thấy tiếc cho ông ấy", một người tên Pin Xin nói. "Các quan chức rõ ràng có vấn đề. Họ tham nhũng. Nhưng tham nhũng là cái gì đó họ kế thừa. Có nhiều người đứng phía sau họ, thúc đẩy họ làm điều đó nhằm đạt được cái gì đó cho bản thân".
Những người khác thì kém cảm thông hơn. "Li Haihua đáng phải chết", một cư dân tên là Liu Dong, ngoài 30 tuổi, nói. "Hắn đã tham nhũng".
Nhiều người dân ở Hiếu Cảm nghi ngờ rằng Li tự kết liễu hòng bảo vệ cho nhiều quan chức khác. "Dù là chuyện gì đi nữa thì chắc chắn ông ấy không vô tội", Huang Di, một sinh viên nghệ thuật 22 tuổi, cho biết khi đang đi dạo tại Quảng trường Nhân dân trong thành phố vào một buổi tối tháng 8.
Trên lối đi bên cạnh, ai đó đã viết những dòng chữ màu đen với nội dung rằng "văn phòng công tố và chính quyền thành phố móc ngoặc với nhau. Họ không điều tra trường hợp của chủ tịch Hội đồng Nhân dân Li Haihua. Khiến ông ta nhảy lầu tại trụ sở chính quyền thành phố. Vấn đề này phải được điều tra đến cùng".
Chết để thoát tội?
Cái chết của Li làm dài thêm bản danh sách các quan chức Trung Quốc tự tử trong những tháng gần đây, xu hướng được một vài nhà nghiên cứu cho rằng có liên quan đến chiến dịch chống tham nhũng do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng. Chiến dịch bắt đầu từ năm 2013 và được cho là gay gắt nhất trong nhiều thập kỷ.
Ước tính trong năm 2014 đã có khoảng 30 quan chức tự tử trong lúc các nhà điều tra đang tiếp cận, truyền thông địa phương cùng nhiều nhà nghiên cứu chống tham nhũng cho biết. Một cựu phó bí thư đảng ở Hồi Hột, thủ phủ khu tự trị Nội Mông của Trung Quốc, hôm 22/9 đã tự cắt cổ tay ngay trong văn phòng chính quyền của mình. Hôm 18/9, Lou Xuequan, 50 tuổi, từng là bí thư đảng bộ một quận ở thành phố Nam Kinh, được xác định đã treo cổ tự tử.
Theo số liệu từ các nhà nghiên cứu Hong Kong, tỷ lệ tự tử trong giới quan trung cấp và cao cấp ở Trung Quốc cao hơn ít nhất là 30% so với tỷ lệ này trong dân chúng đô thị. Tuy nhiên, hiện chưa có số liệu thống kê chính thức của Trung Quốc về việc này.
"Rất nhiều quan chức tham nhũng ở các mức độ khác nhau và giờ thì nguy cơ bị điều tra luôn hiện hữu", Qi Xingfa, nhà nghiên cứu các trường hợp quan chức tự tử tại Đại học Sư phạm Hoa Đông ở Thượng Hải, nhận định. "Họ vừa đọc được trên báo một vụ án vào buổi sáng thì vào buổi chiều vị quan đó đã bị bắt. Điều này thực sự đáng sợ, và họ không thể biết mình có qua được ngày đó không. Sau đó, cảm giác tội lỗi có thể đã khiến họ tìm đến cái chết".
Các chuyên gia cảnh báo rằng không nên gắn những trường hợp tự tử trên vào một nguyên nhân nào đó, nhấn mạnh rằng bất kỳ vụ việc nào cũng có thể do nhiều yếu tố gây ra. Tuy nhiên, phần lớn họ đồng ý rằng các vụ việc đó là đáng chú ý.
"Quan chức thì cũng là thành viên của xã hội, và có rất nhiều loại lý do khiến họ tự tử", Ren Jianming, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục Hợp nhất, Đại học Beihang, nói. "Họ có thể là nạn nhân của chứng trầm cảm và áp lực xã hội. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng chiến dịch chống tham nhũng trong thời gian gần đây là nguyên nhân chính. Tôi chưa từng thấy hiện tượng nào như thế này".
Trong trường hợp của Li, nhà điều tra từ cơ quan chống tham nhũng tỉnh Hồ Bắc ở thành phố Vũ Hán đã lưu ý tới tình hình tài chính của người này từ tháng 2. Quá trình điều tra tập trung vào lĩnh vực bất động sản, các thỏa thuận nông thương, trong đó một số vụ có liên quan tới người em trai của Li đang làm việc tại một công ty thực phẩm lớn.
Cựu thư ký của Li gần đây đã bị bắt giữ. Nhà điều tra dự định bắt Li trong cuộc họp buổi sáng, cùng ngày ông nhảy lầu tự tử. Cảnh sát cho biết Li để lại mảnh giấy nói rằng ông có vấn đề sức khỏe. Tuy nhiên, theo Pan Zefu, phóng viên trang tin The Paper, chuyên về đề tài tham nhũng, thì nội dung mảnh giấy còn đề nghị đảng Cộng sản Trung Quốc tha thứ cho Li và bảo vệ gia đình ông.
Ngăn quan tham trốn công lý
"Các quan chức tự tử sau khi họ bị điều tra hoặc truy tố", SCMP dẫn lời Lin Zhe, giáo sư tại Trường Đảng Trung ương, cho biết. "Trong những trường hợp tương tự, cái chết là cách để quan tham thoát khỏi điều tra kỷ luật và tố tụng".
Giáo sư Lin cho rằng chết là hình phạt nặng nề hơn ngồi tù nhưng bằng cách này, các quan chức bị nghi tham nhũng "không chỉ bảo vệ được chức vị và danh dự mà còn bảo vệ được khối tài sản đã kiếm được cho gia đình, bởi thu nhập bất chính của họ sẽ không bị tịch thu".
Paul Yip, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phòng chống Tự tử thuộc Đại học Hong Kong, hồi đầu năm mô tả hiện tượng trên là "cái chết vị tha". Ông còn nêu ra xu hướng tương phản rõ ràng khi tỷ lệ tự tử của quan chức trong những năm gần đây tăng với mức giảm 58% tính chung của Trung Quốc từ năm 2002 đến 2011.
Theo giáo sư Lin, các cuộc điều tra tham nhũng vẫn nên tiếp tục kể cả sau khi nghi phạm đã chết, tài sản của họ cần được xác minh và xử lý phần thu nhập bất hợp pháp.
"Chỉ khi quan tham nhận ra rằng tự tử không còn là cách bảo vệ thu nhập bất chính thì họ mới từ bỏ hành động này", Lin kết luận.
Như Tâm (theo New York Times/SCMP)