David M. Roeder, 80 tuổi, đại tá không quân về hưu, biết tin đại sứ quán Mỹ ở Trung Đông bị người biểu tình tấn công khi xem tivi ở nhà riêng tại Pinehurst, bang Bắc Carolina vào tuần trước. "Tôi đã thốt lên 'Ôi, lại thế nữa rồi", Roeder kể lại.
Ông là một trong hơn 50 người Mỹ bị bắt làm con tin tại đại sứ quán Mỹ ở Tehran, Iran, năm 1979 trong cuộc khủng hoảng khiến quan hệ Mỹ - Iran căng thẳng suốt 40 năm qua. "Họ đốt và tấn công đại sứ quán. Đó là điều tôi từng thấy", Roeder cho biết.
Vụ tấn công mới nhất vào đại sứ quán Mỹ ở Baghdad, Iraq xảy ra vài ngày trước cuộc không kích hạ sát tướng Iran của Mỹ. Sự việc khiến căng thẳng leo thang nhanh chóng trong khu vực. Tổng thống Trump sau đó nhắc tới khủng hoảng con tin nhằm cảnh báo Iran không trả đũa. Trong bài đăng trên Twitter, ông Trump cho biết Mỹ đã nhắm mục tiêu 52 địa điểm ở Iran, đại diện cho 52 người Mỹ bị bắt làm con tin từ năm 1979 tới 1981.
Vào thời điểm nhiều con tin còn sống cho rằng câu chuyện của họ đã bị lãng quên, Trump khiến họ một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý. Trong số 53 con tin, gồm một nhà ngoại giao được thả sớm, 18 người đã chết. 35 người còn lại, giờ trong độ tuổi nghỉ hưu, bắt đầu cuộc sống mới theo cách tốt nhất có thể. Tuy nhiên, ký ức về 444 ngày bị giam cầm như bóng đen đeo bám cuộc đời họ, thậm chí cả trong giấc mơ, khi Iran vẫn xuất hiện trên bản tin hay trong cuộc đấu tranh đòi bồi thường của họ suốt nhiều thập kỷ qua.
Một số con tin tham gia phỏng vấn bất ngờ khi được nhớ đến nhưng cảm thấy bất đắc dĩ khi bị kéo vào cuộc xung đột chính trị đầy bạo lực và rủi ro hiện tại. "Tôi có chút không vui vì bằng cách nào đó đây được xem như vinh danh chúng tôi. Tôi không cần điều này", Al Golacinski, 69 tuổi, cựu nhân viên an ninh và hiện sống ở Ponte Vedra Beach, Florida, cho biết.
"Chúng tôi vẫn sống cuộc đời của mình nhưng những người còn sống ngày một ít đi. Chúng tôi không muốn liên quan tới chuyện này nữa", Chuck Scott, 88 tuổi, chỉ huy đội đặc nhiệm vào thời điểm xảy ra khủng hoảng con tin, nói.
"Nếu Tổng thống đang lắng nghe, tôi mong ngài đừng bận tâm về câu chuyện của chúng tôi, bởi tôi không muốn liên quan tới nó nữa", John Limbert, người từng bị bắt làm con tin, trả lời phỏng vấn trên kênh MSNBC.
Nạn nhân khủng hoảng con tin Iran, người từng chịu tra tấn về thể xác và tinh thần, mất nhiều năm đấu tranh đòi bồi thường sau khi được thả, bởi thỏa thuận Mỹ - Iran ký trước đó ngăn họ làm như vậy. Quốc hội Mỹ năm 2015 thông qua dự luật chi tiêu cho phép bồi thường 4,4 triệu USD cho mỗi con tin, tương đương 10.000 USD cho một ngày bị bắt, cùng khoản thanh toán một lần cho vợ chồng hoặc con cái họ. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ mới chi trả phần nhỏ trong tổng số tiền bồi thường và tình hình phức tạp hơn khi gia đình nạn nhân vụ khủng bố 11/9 cũng nộp đơn xin bồi thường từ quỹ này.
Nhiều con tin cho biết muốn chính phủ tập trung vào khoản bồi thường họ đáng được nhận, thay vì kéo họ vào cuộc xung đột hiện tại. "Tại sao chính phủ không tiếp tục bồi thường cho chúng tôi như đã hứa?", Scott nói.
V. Thomas Lankford, luật sư ở thành phố Alexandria thuộc bang Virginia và hiện đại diện cho các con tin cùng gia đình họ, tiếp tục đấu tranh cho khoản bồi thường còn lại. Ông cho biết nhiều con tin luôn cảm thấy lo lắng, mất ngủ và thậm chí muốn tự tử trong nhiều năm sau khi được thả.
"Có một con tin đã chết trong hai năm gần đây. Vợ người này nói với tôi đêm nào ông ấy cũng mê sảng và khóc lóc rồi giật mình bật dậy giữa đêm vì tưởng vẫn bị giam. Một con tin khác bất đắc dĩ nhận giúp đỡ từ các cơ quan, tổ chức mỗi khi Iran trở thành tâm điểm của báo chí. Dù ở khía cạnh nào, họ tiếp tục bị biến thành nạn nhân", Lankford nói.
Golacinski, người từng bị bịt mắt, còng tay và phải chịu cuộc hành quyết giả trong thời gian bị bắt, cho biết ông luôn theo dõi diễn biến mới nhất về tình hình căng thẳng hiện nay nhưng không muốn nó bị gắn với khủng hoảng con tin năm 1979.
"Chuyện xảy ra trong tuần qua không liên quan tới chúng tôi. Đó không phải là điều chúng tôi chờ đợi suốt thời gian để thấy ai đó bị giết, gần như là thay cho chúng tôi. Hoàn toàn không phải vậy", Golacinski nói.
Roeder liên tục theo dõi tin tức gần đây. Ông cho biết việc Tổng thống Trump đề cập tới họ trên Twitter là bằng chứng cho thấy họ không hoàn toàn bị lãng quên. "Tôi ngạc nhiên nhưng cũng vui mừng khi biết có người trong chính phủ thừa nhận nhớ tới chuyện xảy ra với chúng tôi", Roeder nói.
Roeder lo ngại người Iran có thể bị cuốn vào cuộc xung đột sau vụ hạ sát tướng Qassim Soleimani. "Mọi người dường như đều thừa nhận ông ta là người xấu. Nhưng người dân Iran rất dễ bị tổn thương. Tôi từng trải qua cuộc xung đột và biết Iran và các gia đình ở đó đã phải chịu những gì. Tôi không nghĩ chúng ta muốn thấy điều đó lặp lại", Roeder cho hay.
Thanh Tâm
(Theo NY Times)