Tự nhận mình là tín đồ của giáo sĩ bất đồng chính kiến Ayatollah Khomeini, nhóm sinh viên yêu cầu dẫn độ nhà vua bị lật đổ Mohammad Reza Pahlavi từ Mỹ trở về Iran. Các sinh viên này giận dữ vì Washington cho phép vua Pahlavi đến Mỹ để điều trị y tế.
"Mang theo gậy gộc, các sinh viên chiếm được văn phòng đại sứ sau ba tiếng, dù thủy quân lục chiến Mỹ đã ra sức chống trả bằng lựu đạn hơi cay trước khi bị bắt làm con tin", phóng viên AFP tại hiện trường lúc bấy giờ đưa tin.
Hơn 60 người Mỹ bị bắt làm con tin, tay bị trói chặt và mắt bị bịt kín. Một số người nhanh chóng được thả tự do nhưng vẫn còn 52 người bị bắt. Những sinh viên Hồi giáo dựng một giá treo cổ phía trước đại sứ quán, ở phía cuối sợi dây treo một tấm biển ghi dòng chữ: "Vì đức vua".
"Bên cạnh giá treo cổ, cờ Mỹ bị đốt trước nắm đấm đang giơ cao của hàng trăm người đang tụ tập để thể hiện sự ủng hộ đối với những người chiếm đóng đại sứ quán.
Cờ Mỹ được thay thế bằng một áp-phích màu xanh lá cây ghi dòng chữ "Allahu Akbar" (Thánh Allah vĩ đại). Một chiếc loa phóng thanh liên tục phát ra các câu khẩu hiệu chống Mỹ bên cạnh những lời răn dạy trong kinh Koran cùng các bài hát cách mạng. Phía trước đại sứ quán, cảnh sát và binh sĩ Vệ binh Cách mạng Iran được triển khai.
Những sinh viên nam để râu rậm mang theo gậy gộc cùng các sinh viên nữ mặc áo choàng cầm tranh chân dung của vua Khomeini thay phiên nhau đi vòng quanh những khu vườn trong khuôn viên đại sứ quán.
"Bánh mỳ và bánh sandwich được chuyển tới cho họ qua hàng rào", một nhân chứng kể lại.
Cuộc tấn công tự phát nhằm vào đại sứ quán Mỹ được châm ngòi bởi tâm lý nhiệt thành hưởng ứng một phong trào cách mạng Hồi giáo. Những lãnh đạo tôn giáo cứng rắn không đồng tình với thủ tướng lâm thời Iran theo chủ trương ôn hòa Mehdi Bazargan, người được cho là sẽ đàm phán với Mỹ.
Bazargan từ chức vào ngày 6/11 và một Hội đồng Cách mạng với các giáo sĩ chiếm đa số đứng lên tiếp quản chính phủ. Iran từ chối bán dầu cho Mỹ. Đáp lại, Washington bàn hành lệnh cấm vận đối với hàng tiêu dùng nhập khẩu vào Iran đồng thời đóng băng tài sản tài chính của nước này.
Chính quyền tổng thống Mỹ Jimmy Carter cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran vào ngày 7/4/1980, đồng thời gia tăng áp lực bằng một lệnh cấm vận thương mại.
Một chiến dịch tuyệt mật mang tên Vuốt Đại bàng được thực hiện nhằm giải cứu các con tin Mỹ tại đại sứ quán, nhưng cuối cùng lại biến thành thảm họa vào ngày 25/4 tại địa điểm cách Tehran 400 km về phía đông nam. Một cơn bão cát sa mạc bất ngờ khiến một máy bay trực thăng và một vận tải cơ C-130 Mỹ rơi, khiến 8 binh sĩ thiệt mạng. Chiến dịch Vuốt Đại bàng bị hủy.
Giáo sĩ Khomeini coi thất bại này là đòn trừng phạt của thánh thần dành cho Mỹ, đất nước mà ông gọi là "Quỷ Satan". Các con tin sau đó được đưa tới nhiều thành phố khác nhau.
Ngày 27/7, vua Mohammad Reza Pahlavi qua đời ở Cairo, Ai Cập. Các sinh viên Hồi giáo tuyên bố sẽ không thả con tin cho tới khi tài sản cá nhân của nhà vua được trao trả về Iran.
Tháng 9/1980, Khomeini nêu 4 điều kiện để thả con tin, gồm: Mỹ phải trao trả mọi tài sản thuộc về vua Pahlavi, giải phóng tài sản bị đóng băng của Iran ở Mỹ, hủy bỏ các yêu cầu bồi thường mà Washington từng đưa ra và cam kết không can thiệp vào công việc nội bộ của Iran.
Nhờ sự trung gian của các nhà ngoại giao Algeria, một hiệp định Mỹ - Iran về giải phóng con tin được ký kết vào ngày 19/1/1981. 52 con tin được trả tự do vào ngày 20/1, cùng ngày tổng thống Mỹ Ronald Reagan nhậm chức.
Ngày nay, đại sứ quán Mỹ ở Tehran do Basij, đội tình nguyện của Lực lượng Vệ Binh Cách mạng Iran, quản lý, trong đó một phần tổ hợp được dùng làm bảo tàng và không gian tụ tập cho các nhóm sinh viên. Tương tự, đại sứ quán Iran tại Washington vẫn trống rỗng kể từ sau khi tổng thống Jimmy Carter trục xuất tất cả nhà ngoại giao Iran khỏi đây trong thời gian khủng hoảng. Nó hiện đóng cửa và được Bộ Ngoại giao Mỹ quản lý.
Vũ Hoàng (Theo AFP, AP)