Tội phạm hành động đơn lẻ lẫn có tổ chức, tự nhận có thể tiếp cận nguồn cung vaccine Covid-19 trong thời gian qua đã nhắm đến hàng chục quốc gia tìm cách lừa ký hợp đồng ma trị giá hàng trăm triệu USD. Những âm mưu lừa đảo được phát hiện và điều tra tại Hà Lan, Latvia, Pháp, Israel, Czech, Áo, Argentina, Colombia, Brazil, Canada và Tây Ban Nha.
Cơ quan chức năng một số nước từ đầu năm đã cảnh báo nguy cơ tội phạm giả danh nhà cung cấp cho các hãng dược phẩm và lừa bán vaccine cho tổ chức, doanh nghiệp hoặc chính quyền địa phương. Các nhà sản xuất vaccine Covid-19 đánh giá chiêu thức lừa đảo đang ngày một tinh vi hơn trước.
Bên chào bán đề xuất cung cấp cho mục tiêu nhiều loại vaccine, từ Pfizer - BioNTech, Johnson & Johnson đến AstraZeneca. Trong một số trường hợp, các bên đã đến bước đàm phán chi tiết hợp đồng nhưng cơ quan chức năng kịp nhận thấy dấu hiệu bất thường và hủy đàm phán.
Trước thông tin về các âm mưu lừa bán vaccine thời gian qua, người phát ngôn của Tổng thống Emmanuel Macron khẳng định Pháp không đàm phán trực tiếp với nhà phân phối vaccine mà thông qua Ủy ban Châu Âu (EC). Tương tự, chính phủ Latvia khẳng định họ đảm bảo nguồn cung trong khuôn khổ hợp đồng do EC ký kết với nhà sản xuất.
Văn phòng Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cũng xác nhận nước này quyết định không mua vaccine do bên thứ ba môi giới. Colombia thông báo họ có nhận được đề nghị trung gian nhưng không ký hợp đồng vì bên thứ ba không xác minh được danh tính, theo Chánh văn phòng Bộ Y tế German Escobar.
Người phát ngôn chính phủ Áo cho biết mọi đề xuất bán vaccine đáng ngờ gửi đến đơn vị dịch vụ công đều được chuyển cho cơ quan chức năng xử lý.
Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã xác định được 50-75 tổ chức, người môi giới và đối tượng lừa đảo tìm cách dụ dỗ các chính quyền ký hợp đồng giả. Những âm mưu này chủ yếu nhắm đến quốc gia đang phát triển, nơi nguồn cung vaccine Covid-19 còn hạn chế.
Cơ quan Di cư và Thuế quan (ICE), thông qua Trung tâm Điều phối Quyền Tài sản Trí tuệ Quốc gia thuộc Vụ Điều tra An ninh Nội địa, đang mở hàng chục cuộc điều tra về tội phạm liên quan đến vaccine và hợp đồng lừa đảo tại Mỹ lẫn nước ngoài. Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) dự kiến phát cảnh báo về nguy cơ lừa đảo vaccine trong vài ngày tới nhằm thu thập thêm thông tin hỗ trợ điều tra.
Các nhà sản xuất vaccine đã nhiều lần khẳng định chỉ bán trực tiếp cho các chính phủ, không thông qua môi giới. Thành viên Liên minh châu Âu (EU), từ chính phủ trung ương đến chính quyền địa phương, đều không được mua trực tiếp vaccine từ mọi nhà cung cấp mà phải thông qua khuôn khổ giám sát chung.
Riêng Pfizer, đối tác phát triển vaccine Covid-19 cùng BioNTech, ghi nhận ít nhất 86 lời chào bán lừa đảo gửi đến chính quyền tại 45 quốc gia liên quan sản phẩm của họ, theo Giám đố An ninh Lev Kubiak. Ông xác nhận công ty đã chia sẻ thông tin cho cơ quan chấp pháp, chính phủ các nước lẫn các hãng dược đang cạnh tranh.
Ngay từ khi các vaccine Covid-19 bắt đầu được phân bổ toàn cầu, tội phạm giả mạo nhà cung cấp hoặc tổ chức có thể tiếp cận vaccine để lừa ký hợp đồng ma lập tức trỗi dậy.
Vào cuối tháng 4, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã gửi cảnh báo đến các nhà cung cấp dịch vụ y tế và công ty cùng mảng về nguy cơ này. FBI mô tả tội phạm thường tự nhận có thể cung cấp hàng triệu liều vaccine, sau đó đề nghị bên mua trả trước 1/2 tổng giá trị hợp đồng, chuyển tiền đến nhiều tài khoản ở nước khác.
Ronny Berkovitz, giám đốc bộ phận pháp chế và thanh tra của Bộ Y tế Israel, xác nhận cảnh sát nước này đang điều tra một số nghi án lừa đảo dính đến cơ quan chính phủ. Bộ Y tế, Phúc lợi và Thể thao Hà Lan cũng nhận được một số đề nghị bán vaccine Covid-19 nhưng không chấp nhận bất kỳ hợp đồng nào. Một trong những lời chào mời được gửi qua thư điện tử vào ngày 21/2, đề xuất cung cấp 5 triệu lọ Pfizer - BioNTech.
Cũng trong tháng 2, cảnh sát quốc gia Canada đã cảnh báo chính quyền các cấp trên cả nước về hiện tượng chào mời vaccine Covid-19 đáng ngờ. Theo thông cáo, liên lạc chào bán vaccine qua mạng có thể nhắm đến ba mục tiêu: lừa đảo, bán vaccine ăn cắp hoặc xâm nhập hệ thống an ninh.
Cơ quan phụ trách các vấn đề người bản xứ tại Canada đưa ra cảnh báo tương tự vào đầu năm nay. Họ phát hiện nhiều đề xuất chào bán 300 triệu liều vaccine từ AstraZeneca và các hãng khác. Các âm mưu lừa đảo nhắm đến người bản xứ, tiếp cận cả cơ quan chính quyền địa phương, tỉnh và liên bang.
Những lời chào mời hàng chục triệu liều vaccine cũng được gửi đến cơ quan chính phủ Argentina, Áo và nhiều nước khác. Trong thư, đối tượng lừa đảo luôn cung cấp cụ thể chỉ dẫn từng bước về cách thức chuyển khoản kèm cam kết xác minh danh tính với nhà sản xuất vaccine.
Ở Italy, chính quyền cấp vùng chịu trách nhiệm thực hiện chiến dịch tiêm chủng. Quan chức vùng Emilia-Romagna vào tháng 2 nhận hàng loạt đề nghị nhập khẩu vaccine AstraZeneca từ cá nhân và doanh nghiệp. Cùng giai đoạn, quan chức vùng Veneto cũng được mời mua hai đơn hàng 15 và 12 triệu liều vaccine Pfizer - BioNTech. Nhiều công tố viên đã mở điều tra các nghi án lừa đảo vaccine.
Vào tháng 3, cơ quan chính phủ một nước đã nhận đề nghị bán 20 triệu liều Pfizer-BioNTech với giá hợp đồng 751 triệu USD. Nhóm lừa đảo còn tự nhận từng liên lạc qua điện thoại với mục tiêu và khẳng định biết rõ "con đường mua trực tiếp với nhà sản xuất thông qua các chính quyền trung ương đã thất bại".
Theo lãnh đạo bộ phận an ninh của Pfizer, lừa đảo vaccine Covid-19 đang ngày một tinh vi hơn so với giai đoạn đầu đại dịch. Những sai sót trong hợp đồng giả mạo giờ khó bị phát hiện hơn. Đối tượng lừa đảo dùng chính xác tên tuổi của lãnh đạo công ty trong phần thông tin liên lạc. Trong một số trường hợp, tội phạm còn tự nhận làm việc với các công ty hậu cần và xuất nhập khẩu có tồn tại trên thực tế.
Lev Kubiak cho biết nhiều công ty đến khi liên hệ Pfizer hỗ trợ đơn hàng vận chuyển vaccine cho một nước mới phát giác đề xuất bán vaccine là lừa đảo. Hãng dược Mỹ từng phát hiện "hợp đồng ma" nhờ đại sứ quán một nước thông báo, sau khi đối tượng lừa đảo liên lạc xong với bộ y tế nước này.
"Chúng tôi lo ngại đến một lúc sẽ có một số chính phủ bị lừa. Những quốc gia đang thiếu hụt nghiêm trọng nhất đang chịu rủi ro lớn nhất", Kubiak chia sẻ.
Trung Nhân (Theo Wall Street Journal)