Bác sĩ khuyên phẫu thuật nhưng anh e ngại, "tự cảm thấy bệnh chưa đến mức phải mổ" nên tiếp tục chạy chữa các nơi. Một năm trở lại đây, anh đau mỏi thắt lưng nhiều hơn, "đứng hoặc ngồi trên 10 phút là không chịu được, cảm giác mất hết sức lực", ảnh hưởng công việc và sinh hoạt.
Ngày 3/11, bác sĩ Calvin Q Trịnh, Trưởng Đơn vị Hiệu chỉnh cơ xương khớp và Y học thể thao, Bệnh viện 1A (Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM), cho biết thắt lưng bệnh nhân này thẳng thay vì đường cong sinh lý như bình thường. Ngoài ra, gối bệnh nhân bị duỗi quá mức, cong ra sau, hông bên phải bị lệch với phía đối diện. Các cơ vùng thắt lưng, khung chậu, sau đùi ở tình trạng căng cứng. Phim chụp cộng hưởng từ cho thấy thoát vị đĩa đệm từ L2 đến L5.
"Bệnh nhân xem các video trên mạng và tự tập theo làm căng cơ thẳng bụng quá mức, khung chậu xoay ra sau tác động lên đường cong sinh lý của cột sống", bác sĩ Calvin giải thích.
Bác sĩ dùng kỹ thuật hiệu chỉnh cơ xương khớp cho bệnh nhân, gồm ức chế tăng co và kéo giãn cơ vùng cột sống, mông, đùi, bụng, giảm căng cơ, giảm đau. Sau đó, bệnh nhân được nắn chỉnh định hình cột sống và tập các động tác để xoay khung chậu về phía trước. Cuối cùng, bác sĩ hướng dẫn phối hợp các động tác vận động để cơ và nơron thần kinh vận động nhịp nhàng, hiệu quả cùng nhau trong trạng thái mới.
"Sau ba buổi điều trị, tôi thấy đỡ hẳn, hết đau mỏi lưng, hết cảm giác khó chịu, có năng lượng trở lại để tiếp tục công việc", bệnh nhân chia sẻ. Dự kiến, bệnh nhân tập 10-20 buổi để giải quyết tận gốc vấn đề, sau đó duy trì vài buổi tự tập tại nhà để ngăn tái phát, ngăn diễn biến nặng hơn.

Bệnh nhân tập tăng cường sức mạnh cơ lưng, cơ dọc xương sống. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Tương tự, một phụ nữ 54 tuổi cũng đỡ đau hẳn sau 7 buổi tập điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống. Khoảng hai năm, bà bị đau thắt lưng lan xuống mông đùi hai bên, được chẩn đoán trượt đốt sống nhưng chần chừ mổ. Lần này, các bác sĩ điều trị giãn vùng cơ thắt lưng, dùng kỹ thuật ức chế tăng co, kéo đốt sống sang phải, chỉnh đường cong sinh lý cột sống, đồng thời giãn cơ vùng chậu giảm áp cho cột sống và dây thần kinh tọa.
Theo bác sĩ Calvin, thoát vị đĩa đệm là tình trạng nhân nhầy của đĩa đệm (phần nằm giữa các đốt sống) thoát khỏi cấu trúc vỏ đĩa, xuyên qua dây chằng chèn ép vào các rễ thần kinh gây tê bì, đau nhức. Tình trạng này có thể xảy ra bất kỳ khu vực nào của cột sống, nhưng thắt lưng là nơi phổ biến nhất.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó phổ biến là do thói quen sinh hoạt sai tư thế kéo dài nhiều ngày, nhiều tháng. Chẳng hạn, nhân viên văn phòng làm việc với máy tính, cúi cổ lau nhà, công nhân khuân vác, nhân viên vệ sinh cúi làm việc, nông dân lao động ngồi xổm cắt cỏ lâu ngày, khiến cột sống cổ bị còng nhẹ thay vì ưỡn, các vận động đột ngột bất đối xứng.
Triệu chứng điển hình của thoát vị đĩa đệm là những cơn đau đột ngột ở vùng cổ vai gáy, hoặc thắt lưng sau đó lan ra vùng vai gáy, chân tay. Cơn đau có thể âm ỉ vài ngày, vài tuần hoặc vài tháng hoặc rất dữ dội. Đau nặng hơn khi vận động, đi lại, giảm khi nghỉ một chỗ, có thể són tiểu hay bí tiểu. Ngoài ra, bệnh nhân tê bì vùng cổ, thắt lưng sau đó dần phát triển xuống mông, đùi, bẹn chân và gót chân; bị rối loạn cảm giác, như kiến bò trong người. Ở giai đoạn nặng, bệnh nhân yếu cơ, liệt, khó đi lại vận động, dần dần dẫn tới teo hai chân, teo cơ, liệt các chi phải ngồi xe lăn.
Thoát vị đĩa đệm không được điều trị sớm sẽ để lại những biến chứng nặng nề, nguy cơ bị liệt nửa người hoặc bại liệt cả người, tiểu tiện, đại tiện không kiểm soát...
"Trường hợp thoát vị đĩa đệm kèm chèn ép tủy nặng (yếu liệt) hay bệnh lý khác như vỡ, gãy đốt sống, xẹp hơn 25%, hoặc u bướu, phải phẫu thuật để giải quyết ngay vấn đề cấp bách", bác sĩ nói. Còn lại, tùy tình trạng bệnh nhân, bác sĩ áp dụng các kỹ thuật hiệu chỉnh cơ xương khớp. Bệnh nhân xuất hiện cơn đau cấp có thể dùng nhiệt trị liệu lạnh hoặc nóng, laser hay từ trường siêu dẫn.
Lê Phương