Năm 2011, khi cảnh sát Philippines đột kích vào một ngôi nhà nhỏ với một phòng ngủ, họ thấy ba bé gái, 11, 7 và 3 tuổi đang nằm trên một chiếc giường mà không hề mặc quần áo, Guardian cho biết.
Ở bên kia căn phòng là mẹ của hai trong số những em nhỏ này, em bé thứ ba là cháu của người phụ nữ. Trong lúc đó, cô con gái 13 tuổi của bà này đang gõ bàn phím máy tính. Trên màn hình là hình ảnh ba người đàn ông da trắng, được thu trực tiếp qua camera ở phía bên kia.
Trước đó hai tuần, một nhân viên điều tra ngầm đã thâm nhập vào ngôi làng nghèo, giả làm một Japayuki (tiếng lóng chỉ một gái mại dâm người Philippines tại Nhật). Điều tra viên này đã thuyết phục được một người dân giới thiệu mình tới gặp những em bé trên, vốn thường ngày vẫn chạy chơi trên các tuyến phố đầy sỏi đá.
Việc cải trang nhằm giúp các em nhỏ cảm thấy thoải mái, bởi chúng nghĩ nữ điều tra viên là người "trong nghề". Và nhờ đó, nữ điều tra viên đã tiếp cận và trở nên thân thiết với đứa trẻ lớn nhất, được gọi với biệt danh Nicole. Sau vài ngày trò chuyện, Nicole bắt đầu kể về những "màn trình diễn" một cách tự nhiên.
"Đó là lần đầu tiên chúng tôi biết đến việc cha mẹ sử dụng chính con của họ", điều tra viên cho biết.
Cơ quan chức năng Philippines từng xem chiến dịch năm 2011 là trường hợp cá biệt. Tuy nhiên chỉ một tháng sau, thêm một gia đình khác trong cùng địa bàn trên bị bắt. Và sau đó, nhiều vụ lạm dụng tình dục trẻ em để phát trực tuyến (live stream) lên các trang web khiêu dâm bị phát giác ở các khu vực khác của nước này.
Liên Hợp Quốc ước tính có tới hàng chục nghìn trẻ em bị cho là liên quan tới hoạt động lạm dụng tình dục, tệ nạn ngày một lan rộng tại Philippines, với doanh thu phi pháp ước tính lên tới một tỷ USD.
Tại một số khu vực, toàn bộ cộng đồng sống nhờ hoạt động này, nhờ tốc độ truy cập internet tăng, công nghệ camera ngày một phát triển và hoạt động chuyển tiền qua biên giới ngày một dễ dàng.
Trước đây, những kẻ tội phạm thường tải hình ảnh và video về lưu trữ trong máy tính. Họ dễ bị cơ quan điều tra truy tìm cũng như có bằng chứng để khởi tố. Nhưng nay, những kẻ này đã chuyển sang những phương thức tinh vi hơn, thông qua những chương trình phát sóng trực tuyến được mã hóa.
Các cơ quan cảnh sát quốc tế đang vào cuộc. Virtual Global Taskforce (Đặc nhiệm Không gian mạng Toàn cầu), một liên minh các cơ quan thực thi pháp luật quốc tế và Interpol, đã chọn năm 2016 là năm chiến đấu chống hoạt động phát trực tuyến hành vi lạm dụng trẻ em.
Doanh thu "khủng"
Bà Stephanie McCourt, đại diện văn phòng Đông Nam Á của Cơ quan Tội phạm Quốc gia Anh, cho biết Philippines là địa bàn hoàn hảo cho hoạt động tội phạm này phát triển, khi nghèo đói vẫn lan tràn, và tỷ lệ người dân tiếp cận Internet cao so với các nước đang phát triển. Nhưng yếu tố then chốt là người dân Philippines sử dụng tốt tiếng Anh.
"Họ có thể liên lạc với những kẻ phạm tội. Sau khi dày công tìm hiểu, chúng tôi mới nhận ra điều này", bà McCourt cho biết.
Rất khó để ước tính chính xác quy mô của hoạt động tội phạm, với các khoản thanh toán bí mật, thường từ 5 - 200 USD/lần trình chiếu. Hoạt động này hầu hết chỉ diễn ra tại các gia đình nhỏ lẻ, thay vì do các băng nhóm tội phạm lớn tiến hành.
"Chúng tôi cho rằng những gì chúng ta đang thấy, đang đối mặt, chỉ là một phần nhỏ của thực tế. Nó liên quan đến những món tiền lớn, hoạt động kinh doanh lớn", bà McCourt nhận định.
Trẻ em bị ép phải "trình diễn" suốt ngày, buổi sáng với khách hàng châu Âu và châu Mỹ, và sau đó với khách hàng tại Australia.
Số vụ tội phạm phát trực tuyến hành vi lạm dụng trẻ em tại Philippines bị phát giác đang ngày một tăng, từ 57 vụ năm 2013 lên 89 vụ năm 2014 và trong năm ngoái là 167 vụ.
Dù vậy, theo ông Paul Hopkins, đội trưởng đội Cảnh sát Liên bang Australia tại Manila, người đã điều tra loại hình tội phạm này suốt hai năm qua, tin rằng con số thực tế cao hơn rất nhiều. Một trong những dấu hiệu chứng minh là số lượng tin báo về các hành vi lạm dụng tình dục trẻ em, do Trung tâm Trẻ em bị bóc lột và Mất tích (NCMEC) có trụ sở tại Mỹ, thu thập được.
Chỉ riêng trong năm 2015, NCMEC đã chuyển gần 15.000 tin báo tới Văn phòng Tội phạm Mạng Philippines, và 80% số này liên quan đến hoạt động lạm dụng trẻ em trực tuyến. Dù vậy không phải mọi kẻ tội phạm đều đến từ quốc gia này.
Tổ chức phi chính phủ của Hà Lan có tên Terre des Hommes đã thiết kế một bé gái ảo người Philippines, 10 tuổi, có tên "Sweetie" và sử dụng các mô hình máy tính để gài bẫy hơn 1.000 đối tượng đã trả tiền để Sweetie biểu diễn những hành vi tình dục. Terre des Hommes đã phân tích và nhận dạng những người trưởng thành đến từ hơn 70 quốc gia đã trả tiền để bé gái ảo trình diễn.
Vậy nhưng hoạt động kinh doanh phi pháp và nguy hại này lại hầu như chưa bị trấn áp. Tại Philippines, mới chỉ có hai vụ án được xử liên quan đến loại hình lạm dụng này. Tất cả các vụ còn lại đều đang bị treo. Không giống các loại hình lạm dụng tình dục trẻ em trước đây, cảnh sát không thể tìm thấy những bức ảnh được tải lên Internet. Thay vào đó, các cuộc đối thoại đều diễn ra trực tuyến, và được mã hóa thông qua ứng dụng Skype. Tiền thanh toán được thực hiện dưới hình thức chuyển tiền nặc danh.
Những em bé trước đây từng ra điều trần chống lại những kẻ buôn bán trẻ em, nhưng các em lại không muốn tố cáo chính cha mẹ mình. Dưới con mắt của các em, hành vi lạm dụng đó là bình thường.
"Bình thường"
Trong vụ án năm 2011, cảnh sát từng nghĩ các em nhỏ sẽ cảm thấy vui với chiến dịch của họ. Nhưng nữ cảnh sát chìm cho biết, Nicole không cảm thấy mình được giải cứu mà lại thấy mình bị "phản bội".
Ngoài việc bắt quả hành vi lạm dụng, cảnh sát nói rằng họ còn có đoạn video cho thấy người mẹ lạm dụng tình dục con mình, được gửi từ một nguồn giấu tên ở phương Tây.
Tất cả 6 người con của mẹ Nicole, gồm ba trai và ba gái, được chuyển đến một trung tâm cứu hộ.
Ngay sau vụ bắt giữ, cậu bé lớn tuổi nhất, khi đó 16 tuổi, tỏ ra bị sốc, nhà tâm lý học Rosemarie Gonato nói. Nhưng nguyên nhân sốc không phải do bị lạm dụng. "Cậu ta bị tổn thương vì chiến dịch giải cứu".
Hai em gái của cậu bé không có ý niệm gì về việc bị lạm dụng, mà xem đó là chuyện bình thường. "Chúng nói rằng đó là công việc vẫn diễn ra ở khu vực đó. Việc chúng tham gia vào hoạt động này rất tự nhiên, bởi những đứa trẻ khác đều làm vậy", cảnh sát chìm cho biết.
Không giống như những trẻ khác tại trung tâm, chúng không cho thấy dấu hiệu bị lạm dụng. Các nhân viên, những người chưa từng gặp trường hợp như vậy, tự hỏi liệu họ có nên giữ những em này trong cùng trung tâm với các trẻ khác bị tấn công tình dục bởi những kẻ ấu dâm hay không.
Tại trung tâm, bé gái ba tuổi vẫn tiếp tục "nhảy múa gợi dục" trước những trẻ khác. "Rất khó khăn để các em hiểu những gì cha mẹ đã làm", các nhân viên cho biết.
5 năm sau vụ bắt giữ, người mẹ của những đứa trẻ trên vẫn sống trong tù và đã sinh đứa con thứ 7. Bà này phủ nhận mọi cáo trạng chống lại mình, với khẳng định các con không mặc quần áo khi cảnh sát ập vào do đang chuẩn bị đi tắm.
Một đứa trẻ, bây giờ 14 tuổi, nói rằng cha mẹ muốn điều tốt nhất cho họ. "Cháu muốn ở lại trung tâm cứu hộ để hoàn thành khóa học rồi về nhà", cô bé nói.
Hai đứa con lớn nhất đến thăm người mẹ mỗi dịp Giáng sinh và năm ngoái, một thẩm phán cho phép tất cả 6 đứa con lần đầu tiên đến thăm tù.
Khó triệt phá
Loại hình tội phạm này đã khiến cơ quan chức năng gặp khó khăn. Interpol hiện áp dụng quy trình gồm 8 bước để xác định nạn nhân của hoạt động lạm dụng trẻ em, trong đó bước số hai mô tả bằng chứng là hình ảnh và các đoạn video. Tuy vậy, những bằng chứng này không tồn tại khi hành vi lạm dụng được truyền trực tuyến.
"Khi chúng tôi thấy một món chuyển tiền từ Hà Lan sang Philippines trị giá 20 EUR, tại tòa chúng tôi có thể chứng minh đó là tiền trả cho mỗi màn trình diễn trên webcam. Nhưng phía bị đơn có thể nói rằng đó là tiền trả cho một phụ nữ trưởng thành biểu diễn", nữ tùy viên cảnh sát Hà Lan tại Manila cho biết.
Cho dù có bằng chứng hình ảnh như trong vụ việc năm 2011, luật bảo vệ quyền riêng tư của Philippines cũng khiến việc kết án rất khó khăn. Ngoài ra đạo luật chống nghe lén cũng có nghĩa là bằng chứng thu được từ máy tính, thậm chí là các đoạn video ghi lại hành vi lạm dụng, không phải lúc nào cũng có thể đưa ra trước tòa.
Nhưng khó khăn lớn nhất là việc liệu kết tội cha mẹ của nạn nhân có phải là kết cục tốt nhất cho những đứa trẻ. Ngay cả công tố viên vụ án trong vụ án năm 2011 cũng cho biết bà hy vọng cha mẹ các em được giảm án.
Bàn về tệ nạn này, Lotta Sylwander, đại diện UNICEF tại Philippines nói: "Trẻ em sẽ làm bất cứ điều gì cho bố mẹ".
"Chúng ta cần phải nâng cao nhận thức và cảnh giác, để cha mẹ và những người khác hiểu rằng lạm dụng trẻ em dưới mọi hình thức không chỉ sai trái về mặt đạo đức, mà cũng rất có hại cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ em", bà nói.
Xem thêm: Bị bố đẻ hãm hiếp, bé gái bị cả làng đánh đòn
Hoàng Nguyên