Những nông dân lệ thuộc vào hóa chất khiến độc giả Ha Thanh bày tỏ: Vẫn biết là người trồng rau, trồng cây ăn trái, trồng lúa... dùng thuốc trừ sâu vô tội vạ lâu nay, nhưng khi đọc bài báo vẫn... đổ mồ hôi hột. Có quy định cấm nhưng ngành này thì nhường trách nhiệm cho ngành kia, còn người sản xuất, kinh doanh thì chỉ thấy cái lợi trước mắt mà làm. Để bảo vệ chính mỗi chúng ta, con cháu chúng ta, nòi giống nối tiếp chúng ta mà mỗi việc như vậy lại bó tay.
Độc giả Trai Tim Viet Nam cho rằng dư lượng thuốc trừ sâu trong các sản phẩm rau củ sẽ tích tụ trong cơ thể con người, điều này ảnh hưởng rất lớn và lâu dài đến sức khoẻ người dân:
Đây là một vấn đề lớn ảnh hưởng lâu dài tới giống nòi và sức khoẻ người Việt. Điều gì sảy ra khi các cháu nhỏ hàng ngày tiêu thụ rất nhiều sản phẩm bị nhiễm độc từ: rau củ quả, nhưng chưa tới mức ảnh hưởng lập tức, mà tích tụ dần vào các mô trong cơ thể?
Và đến khi đủ hàm lượng thì làm đột biến tế bào sinh ung thư, hoặc gây nên các bệnh tự miễn. Việt Nam cần thắt chặt việc nhập khẩu và sản xuất thuốc trừ sâu bệnh từ hoá chất, đánh thuế môi trường cao các sản phẩm này. Cần hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất thuốc trừ sâu sinh học để giảm giá thành và tăng năng lực trừ sâu bệnh, tiến tới cấm dần thuốc trừ sâu hoá học.
Với rất nhiều người trồng rau, việc phun thuốc trừ sâu hoá học hôm trước nhưng hôm sau đem bán là điều bình thường. Câu chuyện "trồng rau 2 luống" - luống phun thuốc đem bán, luống sâu bệnh vì không phun thì để nhà ăn, bắt đầu từ điều trên. Việc sản xuất thực phẩm mang hoá chất cấm, độc hại cho sức khoẻ người tiêu dùng cần phải bị nghiêm trị trước pháp luật, người nông dân vi phạm không ngoại lệ.
Độc giả Quới Tiến đặt câu hỏi: Nếu đại lý không bán thì nông dân lấy đâu thuốc cấm? Đơn giản nắm cái cơ sở kinh doanh thôi, quản lý mà để bán tràn lan rồi bảo người nông dân không ý thức trong khi họ có "ăn học" thì toàn tư vấn bán thuốc cấm là không ổn.
Độc giả Thanh Trọng Trần nêu: Đây là hậu quả của hàng chục năm buông lỏng quản lý, thiếu vắng việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức đúng đắn trong nông nghiệp trong nhân dân. Nông nghiệp phát triển theo ngõ cụt, mạnh ai nấy đi thì hậu quả như bây giờ chẳng có gì lạ. Câu chuyện này làm tôi nhớ tới mấy cái nhà thuốc tây ven đường ghê, cũng một mô típ như vậy.
Độc giả Trần Nam chia sẻ: Tháng trước một người chị họ của tôi qua đời vì ung thư. Cả họ hàng chưa ai từng mắc bệnh này nên chỉ biết than trời rồi bảo chắc do ngày thường ăn uống rau củ, thực phẩm bẩn, còn tồn đọng hoá chất trừ sâu, lâu ngày tích tụ trong cơ thể nên phát bệnh.
Bệnh từ miệng mà ra, chúng ta ăn vào thực phẩm tươi ngon, cơ thể hấp thu chất dinh dưỡng và phát triển bình thường. Khi chúng ta ăn thực phẩm độc hại ngày qua ngày, thì bệnh tật xuất hiện ở một ngày nào đó là chuyện tất nhiên.
Ước mơ được mua và ăn rau sạch của nhiều người Việt xem ra còn rất xa vời. Người thu nhập cao, có thể tìm đến những cửa hàng hữu cơ, không dùng thuốc... nhưng được bán với giá đắt hơn hàng ở chợ. Hoặc họ tự trồng rau trên sân thượng để phục vụ nhu cầu của gia đình. Nhưng với nhiều công nhân, người có thu nhập trung bình, thấp thì chỉ biết tặc lưỡi cho qua.
Trách người nông dân dùng thuốc cấm năm thì trách các cửa hàng và cơ quan quản lý mười. Kẻ có tóc là những cửa hàng bán thuốc cấm thì tại sao không thấy cơ quan quản lý nào "nắm đầu"?
Câu chuyện rau sạch- rau bẩn đã diễn ra hàng chục năm nay rồi. Khi nào thì người Việt có thể an tâm vì bản thân và gia đình được ăn rau sạch thì phải chờ cơ quan quản lý trả lời.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Hữu Nghị tổng hợp