Sau gần ba năm "vật lộn" ở thành phố, bây giờ tôi đã được chính thức gia nhập vào hội "Những người nông dân Việt Nam", sau sự đồng ý có vẻ gượng gạo của bố mẹ đẻ và sau những đòn đánh phủ đầu chỉ bằng bốn từ vỏn vẹn của bố mẹ vợ: "Đừng về mà đói".
Nghe thì có vẻ hoang mang nhưng thôi, sống mà làm được cái mình mê thì còn gì bằng, quan trọng là phải có lý tưởng và kế hoạch.
Xin vào vấn đề chính, bài viết chia sẻ này tôi muốn này dành cho những ai đang làm nông nghiệp tham khảo, những người đang làm vườn và có ý định về làm vườn trong tương lai cũng có thể tham khảo.
Tôi là một nông dân hữu cơ và tiến tới sản xuất bền vững trong tương lai. Xin nêu hai vấn đề:
Cách trồng rau hữu cơ hiện tại ở Việt Nam và tầm nhìn của một nông dân cho cây ăn quả trong tương lai.
Đầu tiên, về cách trồng rau hữu cơ "từ đất". Nhìn qua thì đa phần các vườn rau hữu cơ ở Việt Nam vẫn đang loay hoay với việc cày cuốc, làm luống rồi đến làm cỏ... điệp khúc cứ lặp đi lặp lại.
>> Tôi bị ám ảnh ôtô khách mỗi lần về quê bằng xe máy
Có lẽ những việc này đã ăn sâu vào tiềm thức. Có bao giờ bạn nghĩ có phương pháp nào mà ta không cần làm những việc vất vả như trên mà hiệu quả lại cao hơn? Xin thưa là có. Nào, hãy cùng nhìn ra thế giới một chút. Các nước phương Tây đã quay đầu lại với nông nghiệp hữu cơ khá lâu, ta thì đang dần chuyển mình, nên người ta có những cái hay rất đáng để học hỏi và làm theo.
Các bạn có thể gõ các từ khóa sau lên Youtube: "no dig, no till garden" (vườn không cày, xới); "mulch for vegetable garden" (lớp phủ cho vườn rau)... để tìm hiểu. Hiểu tiếng Tây thì quá tốt, mà không hiểu cũng chả sao, cứ nhìn người ta làm sao mình thấy hay thì áp dụng.
Có ba điểm lớn cần chú ý sau khi xem các video "vườn rau nhà người ta": Một là, người ta không làm luống, chỉ cho đất, phân vào các khung gỗ. Mình có điều kiện thì làm khung gỗ, không thì tre nứa, gạch cũ..., mà nếu không nữa thì làm luống một lần rồi phủ rơm lên.
Cứ thế ủ phân cho thêm vào, không cày cuốc gì cả, nhìn rất gọn ghẽ và khoa học. Hai là, dùng lớp phủ trên bề mặt cho rau củ, có thể là rơm, cỏ khô, lá khô... Mấy thứ này ta đâu có thiếu.
Tạo lớp phủ mang lại nhiều lợi ích, cụ thể:
- Giữ ẩm cho đất, giảm được việc phải tưới thường xuyên. Đất phải ẩm thì mới tơi xốp được, đó là điều căn bản.
- Ngăn cỏ dại, cách này cực kỳ hữu hiệu. Cỏ dại có tác dụng của cỏ dại, nhưng đối với rau củ ngắn ngày thì nên được kiểm soát.
- Tạo độ màu mỡ cho đất, giúp đa dạng hệ vi sinh và giun đất.
Ba là, người ta rất coi trọng việc làm phân vi sinh từ các phế phẩm nông nghiệp, từ cỏ, lá cây khô và rau củ quả thừa từ nhà bếp. Rất chi là kinh tế. Tây người ta đã làm, năng suất lẫn hiệu quả rất cao, hiếm khi thấy người ta chân lấm tay bùn, nếu không nói là nhàn. Vì sao ta không thay đổi một lần xem sao?
>> Tôi nên 'quản trị tuổi già' bằng cách vào viện dưỡng lão hay ở nhà riêng?
Lợi ích của rau hữu cơ thì không cần phải bàn luận nhiều, vấn đề cần quan tâm là "giá cả"! 50 nghìn đồng một ký rau thì phần đông mọi người khó mà tiếp cận được. Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi cách làm, vừa đỡ vất vả, vừa lại giảm được nhiều chi phí, chi phí giảm thì giá sẽ giảm, khi đó nhiều người dân sẽ tiếp cận đươc.
Trái cây hữu cơ đang ngày càng nhiều trên các kệ hàng của thế giới, Việt Nam ta không sớm thì muộn, vì đó là xu hướng tiêu dùng toàn cầu.
Thế nên, việc chuyển đổi sang phương thức canh tác hữu cơ là điều tất yếu với một đất nước trái cây nhiệt đới như chúng ta, nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.
Nhưng theo tôi, nếu nhìn xa hơn, chúng ta phải hướng tới sản xuất bền vững. Cụ thể là: "Đi từ hữu cơ, tạo ra sự đa dạng sinh thái và tiến tới môi trường sản xuất bền vững".
Vậy làm thế nào để tạo ra được môi trường bền vững? Theo quan điểm cá nhân, tôi xin chia sẻ như sau: Song song với việc canh tác hữu cơ, việc đầu tiên cần làm là duy trì thảm thực vật mặt đất, cụ thể là cỏ.
Nền nông nghiệp của chúng ta đã quá "tàn nhẫn" với cây cỏ mà không biết nó mang lại rất nhiều lợi ích, vấn đề là ta biết kiểm soát. Chúng như một lớp áo bảo vệ bề mặt đất khỏi ánh nắng mặt trời, giữ hệ vi sinh vật không bị chết khô, còn hệ vi sinh là đất đai còn màu mỡ, khi thảm cỏ đủ dày thì đất còn giữ được ẩm.
Việc tiếp theo là đa dạng hệ sinh thái trong vườn cây, bằng cách đa dạng các loài cây cỏ và hoa bản địa, giúp thu hút các loài động vật khác. Một môi trường bền vững là môi trường mà các loài động thực vật chung sống bền vững cùng nhau. Việc cuối cùng là duy trì và "chờ".
Để tạo ra được môi trường bền vững thì cần thời gian, không thể vội được, theo tôi thì khoảng 5-7 năm, tùy nơi và còn tùy vào cách canh tác trước đó. So với thời gian mấy chục năm của cây ăn quả thì quá đáng giá để làm.
Có một điều "mấu chốt" bạn cần phải hiểu: Trong quá trình chúng ta tạo ra một môi trường bền vững để canh tác lâu dài, "ta không mất mát gì cả", ta còn được nhiều thứ trong tương lai: đất ngày càng màu mỡ, giảm được lượng phân bón và nước tưới, môi trường cân bằng giúp giảm sâu bệnh hại, cây cối phát triển và sinh trưởng khỏe mạnh mà không cần phải can thiệp quá nhiều.
Khi đó, trái cây của ta hoàn toàn có thể cạnh tranh sòng phẳng với các nước khác trên trường quốc tế, về cả giá và chất lượng sản phẩm.
Trong điều kiện biến đổi khí hậu và ấm lên toàn cầu, phải biết lo xa. Tây Nguyên mới đầu mùa khô thôi mà đã hạn, không có nước tưới. Nếu chúng ta không thay đổi suy nghĩ, thay đổi cách làm thì một ngày nào đó ta cũng sẽ cùng chung số phận.
Cách làm nông nghiệp của chúng ta xưa nay chỉ coi trọng loài cây chúng ta trồng mà không quan tâm đến môi trường xung quanh chúng, nhiều lúc là hủy hoại.
Đến lúc chúng ta phải "nhìn nhận lại" cách làm của mình. Tàn phá thiên nhiên thì sẽ nhận lại hậu quả, yêu quý và phụng sự thiên nhiên thì sẽ nhận lại quả ngọt!
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.