NFT (non-fungible token) đã trải qua một năm bản lề quan trọng. Từ khóa này hiện diện khắp nơi, từ nghệ thuật, game đến nền tảng truyền thông xã hội. Theo hãng nghiên cứu dữ liệu Chainalysis, thị trường NFT hiện đã có quy mô 44 tỷ USD. Tuy nhiên, trong năm nay, công nghệ này có thể sẽ phải đối mặt với nhiều sóng gió.
Khó khăn đầu tiên đến từ mức giá cao mà NFT mang lại. Theo Crypto Potato, NFT đắt giá nhất hiện nay là The Merge - tác phẩm hội họa kỹ thuật số được tạo bởi một họa sĩ ẩn danh có tên Pak và được bán ngày 6/12/2021 với giá 91,8 triệu USD.
Bloomberg dẫn lời quan chức Sở Thuế vụ Mỹ IRS rằng họ chuẩn bị kiểm soát ngành ngày. Tài sản NFT được xem như món đồ sưu tầm, tương tự tem, tranh, đồ cổ. Vì thế, nhà đầu tư và người tạo ra NFT phải đóng thuế lên đến 37%. Tuy nhiên, đây chưa phải rắc rối lớn nhất vì quy định về thuế token hiện chưa rõ ràng. Nhà đầu tư không nhận ra họ cần nộp thuế, hoặc không biết là cần kê khai thuế nhiều hơn một lần mỗi năm, khiến họ đối mặt với nhiều khoản phạt trong tương lai.
Theo Bloomberg, thông tin IRS đang chuẩn bị cho hàng loạt vụ điều tra trong năm nay đang trở thành tâm điểm trong cộng đồng NFT. Nhiều người lo ngại việc mua đi bán lại một tác phẩm lúc này có thể là bằng chứng chống lại họ vào một ngày không xa.
Rắc rối tiếp theo là bản quyền. WSJ đánh giá, về bản chất, công nghệ NFT sinh ra để xác nhận quyền sở hữu duy nhất một tài sản nào đó, nhưng nhiều người lại lợi dụng công nghệ này để trục lợi. Không ít tác phẩm của các nghệ sĩ đã bị đánh cắp, gắn mã NFT và được rao bán kiếm lời. Vấn nạn trộm cắp khiến nhiều nghệ sĩ phẫn nộ và thù ghét NFT, biến công nghệ này trở nên xấu xí. Khi một công nghệ gây ra nhiều tranh cãi về pháp lý, nó sẽ gặp nhiều trắc trở để có thể trở nên phổ biến hơn.
Theo SCMP, thách thức thứ ba là NFT có nguy cơ trở thành công cụ rửa tiền của tội phạm do quy định pháp lý về NFT vẫn trong vùng xám. Nhưng nếu các nhà chức trách phát hiện một trường hợp nào có liên quan, các tài sản NFT có thể bị cấm cửa và người giao dịch NFT có thể nằm trong tầm ngắm điều tra. Tháng 12/2021, Gou Wenjun, Giám đốc Trung tâm phân tích và giám sát chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, khuyến cáo: "Việc sở hữu tài sản kỹ thuật số như tiền mã hóa, NFT và vật phẩm ảo trong metaverse liên tục thay đổi. Chúng tách biệt với thế giới thật, có khả năng vận hành liên kết ở mức độ nào đó, khiến tài sản ảo rất dễ trở thành công cụ rửa tiền". Theo ông, tài sản ảo mang tính phi tập trung, ẩn danh và không biên giới nên có thể được sử dụng rộng rãi trong các giao dịch phi pháp như tống tiền, buôn ma túy, đánh bạc, rửa tiền, trốn thuế và chuyển tiền xuyên biên giới.
Cuối cùng là vấn đề bảo mật. Các chuyên gia tại Kaspersky cảnh báo, trong năm 2022, người sở hữu tài sản số sẽ phải đối mặt với một làn sóng tấn công quy mô lớn nhắm vào NFT. Đáng chú ý, các quốc gia Đông Nam Á có tỷ lệ sở hữu NFT dẫn đầu thế giới, như Philippines (32%), Thái Lan (26,2%), Malaysia (23,9%), Việt Nam (17,4%) và Singapore (6,8%). Theo các chuyên gia bảo mật, nhiều vụ trộm cắp tài sản NFT sẽ xảy ra thời gian tới. Đây là lĩnh vực hoàn toàn mới nên sẽ gây ra sự thiếu hụt lực lượng điều tra có chuyên môn cao, dẫn đến sự gia tăng ban đầu của các cuộc tấn công vào NFT.
Khương Nha