Tác phẩm NFT đắt nhất hiện nay thuộc về nghệ sĩ Beeple với giá 69 triệu USD. Trong khi đó, chỉ một năm trước, mỗi tác phẩm của nghệ sĩ này chưa bao giờ vượt quá 100 USD. Thành công của Beeple trở thành niềm cảm hứng cho hàng trăm nghìn người trên khắp thế giới về giấc mơ đổi đời với NFT.
Tuy nhiên, các chuyên gia từ Đại học London đã phân tích hoạt động mua bán 4,7 triệu NFT, được trao đổi bởi hơn 500.000 người trên thị trường, và nhận thấy thành công như trên chỉ chiếm số ít. Dù NFT đưa Beeple thành nghệ sĩ giá trị nhất thế giới sau một đêm, với đại đa số, những bộ sưu tập NFT thậm chí không thể giúp nhà phát hành thanh toán một bữa ăn tại McDonald’s.
Fast Company dẫn lời Mauro Martino, người đứng đầu Phòng thí nghiệm Visual AI của IBM, rằng: "Chỉ 1% NFT được bán giá trên 1.500 USD. 75% được bán với giá từ 15 USD trở xuống, thậm chí thấp hơn nhiều. Phần lớn tác phẩm NFT không chú ý tới. Mọi người bỏ tiền ra để sản xuất một NFT và thế là xong. Rất khó để tôi gợi ý cho một người bạn làm nghệ thuật tìm cách làm giàu từ NFT vì thực tế rất ít người có được lợi nhuận trong thị trường này".
Martino đã dành gần một năm nghiên cứu, theo dõi mạng lưới giao dịch để có cái nhìn toàn cảnh về thị trường NFT. Ông ví đây là nhiệm vụ phức tạp nhất đời mình. Mỗi khung hình chứa khoảng 7 triệu đường dẫn mạng lưới và chỉ cần một thay đổi đơn lẻ trong mạng lưới cũng mất nhiều phút tính toán để thấy được kết quả.
Martino hình ảnh hoá dữ liệu các giao dịch NFT để nhìn ra sự thay đổi của công nghệ này qua các thời kỳ, tính từ 2017 đến nay. Ban đầu chỉ có một tập hợp nhỏ các "thương nhân" được thể hiện bằng chấm hồng. Họ là những người giao dịch thẻ NFT trong game CryptoKitties. Sau đó, các điểm nút bắt đầu xuất hiện nhiều hơn và mở rộng ra nhiều phía với những màu sắc khác. Màu trắng đại diện cho các dự án NFT đơn lẻ, màu xanh lam đại diện cho các vật phẩm trong game trực tuyến như Axie Infinity, màu xanh lá phát triển sau cùng đại diện cho các thẻ sưu tập như Sorare - game NFT về bóng đá.
Khi các liên kết này hình thành, giai đoạn hai của NFT xuất hiện, đó cũng chính là những giao dịch của thị trường trong năm nay. Hình ảnh cho thấy "miền tây hoang dã" của NFT. Fast Company đánh giá, đây chính xác là những gì đang diễn ra trong thế giới NFT, dù nghiên cứu chỉ là lát cắt, mô phỏng một phần của thị trường NFT trị giá 10 tỷ USD.
"Có những người nghĩ NFT sẽ chỉ tồn tại vài năm như một xu hướng nhất thời. Nhưng tôi thực sự tin thị trường mới đang phát triển và bắt đầu có một số cấu trúc, quy tắc mà chúng ta có thể theo dõi. Vì vậy, tôi nghĩ NFT sẽ tiếp tục phát triển thời gian tới", Martino nói.
Trong khi đó, đại diện một sàn NFT nghệ thuật tại Việt Nam nhận định đang có một nhóm không nhỏ các nghệ sĩ "cầu may đổi đời" bằng cách đưa các tác phẩm lên sàn NFT trong và ngoài nước. Tuy nhiên, không phải tác phẩm nào cũng bán được. Trong khi chờ một tác phẩm nào đó được mua, những người này phải bỏ ra khoản phí không hề nhỏ để đưa tác phẩm lên sàn.
"Giá trị của một NFT rất vô chừng nhưng chúng vẫn có công thức định giá và tuân theo các quy tắc của thị trường. Trong đó có ba tham chiếu cơ bản là độ hiếm của tác phẩm, giá trị tiện ích và tính hữu hình của tài sản NFT", vị này nói.
Cụ thể, độ hiếm của NFT nghệ thuật nằm ở việc nếu một nghệ sĩ nổi tiếng nào đó không còn sáng tác thêm, tác phẩm NFT đó sẽ đắt giá. Về giá trị tiện ích, một NFT có thể được ứng dụng cả ngoài đời lẫn trong thế giới ảo, như thẻ bài, nhân vật trong game NFT không chỉ để sưu tập mà có thể giao dịch, quy đổi ra tiền thật. Giá trị này tùy thuộc vào độ uy tín, tiềm năng dự án và quy mô cộng đồng tham gia. Cuối cùng là tính hữu hình của tài sản. Một số NFT được liên kết với những nhân vật, tổ chức ngoài đời và mang lại giá trị hữu hình. Ví dụ điển hình của tham chiếu này là câu lạc bộ Du thuyền Bored Ape với bộ sưu tập 10.000 avatar NFT hình con vượn. Những người sở hữu NFT này được hưởng một số đặc quyền thực tế như cung cấp cơ hội kinh doanh, tham gia các buổi gặp gỡ và NFT hình vượn như một tấm thẻ bài chứng minh họ là thành viên hội.
"Tuy nhiên, phải lưu ý rằng rất ít NFT đang lưu hành trên thị trường thực sự có giá trị kinh doanh. Hầu hết các tác phẩm nghệ thuật gắn NFT và để đấy. Để bán được, trước tiên họ phải chứng minh được giá trị của nó. NFT đó phải giải quyết được vấn đề nào đó cụ thể hoặc gắn với một tên tuổi, sự kiện nổi tiếng. Nếu không, chúng chỉ là những tài sản vô nghĩa. NFT không phải cây đũa thần hô biến một vật bất kỳ thành món tài sản trăm nghìn USD như mọi người đang kỳ vọng", một chuyên gia trong lĩnh vực nghệ thuật số nhận định.
Khương Nha