Stalker là trò chơi bắn súng đình đám do GSC Game World sản xuất. Tháng trước, công ty Ukraine này thông báo rằng các vật phẩm sẽ được gắn mã NFT, động thái cho thấy game sẽ dần chuyển đổi từ một trò chơi đơn thuần sang đón đầu vũ trụ ảo metaverse.
Lantz, 18 tuổi sống tại Ontario (Canada), đã cùng hàng nghìn người hâm mộ Stalker khác lên Reddit và Twitter để phản đối nhà sản xuất. Nhóm cho rằng sự thay đổi thực chất là chiêu trò để "moi" tiền từ người chơi. Làn sóng phản ứng dữ dội đến mức GSC phải từ bỏ kế hoạch của mình.
Game thủ Matt Kee, 22 tuổi, cũng giận dữ khi Square Enix, nhà sản xuất game Kingdom Hearts mà anh yêu thích, cho biết đang đẩy mạnh NFT. "Tôi không nghe ai nói về việc NFT mang lại lợi ích gì cho chúng tôi, hay giúp cải thiện lối chơi ra sao. Họ chỉ nói chúng tôi có thể kiếm được tiền thế nào", Kee viết trên Twitter.
Một năm qua, cơn sốt tiền điện tử đã thúc đẩy xu hướng NFT len lỏi vào nhiều lĩnh vực, trong đó có trò chơi trực tuyến. Nhưng theo NYTimes, không nơi nào xảy ra nhiều xung đột như ở cộng đồng game. Những người hoài nghi cho rằng tiền điện tử và tài sản NFT chỉ là "kế hoạch ponzi kỹ thuật số", với những chiêu trò đẩy giá vượt quá giá trị thực của chúng.
Vài tháng gần đây, một số công ty game lớn như Ubisoft, Square Enix và Zynga bắt đầu thử nghiệm áp dụng NFT, nhưng đều vấp phải sự phản đối. Nhiều cuộc xung đột diễn ra và đa số nhà phát triển phải nhượng bộ game thủ.
Biến người chơi game thành nhà đầu tư
NFT (non-fungible token) là chứng chỉ kỹ thuật số duy nhất được đăng ký trong một blockchain, được sử dụng để ghi lại quyền sở hữu một tài sản như tác phẩm nghệ thuật, vật phẩm hay đồ sưu tầm.
"NFT được xem là tài sản. Khi người chơi mua chúng, họ nhận được một biên lai điện tử và chính họ cũng thành người đầu tư vào vật phẩm, với kỳ vọng sẽ bán được khi tăng giá", nhà phát triển game Doc Burford nói với Digital Trends.
Cũng có những người hào hứng với việc kiếm tiền trong game. "Ý tưởng kiếm được thứ gì đó trong thế giới kỹ thuật số và lập tức trở thành tài sản bên ngoài là điều thật sự thú vị", Crystal Mills, nhà sáng tạo nội dung game, cho hay.
Nhờ công nghệ blockchain, ngày càng nhiều ý tưởng về game NFT ra đời, phổ biến nhất trong đó là mua các tài sản như vũ khí, trang phục nhân vật và chuyển từ trò chơi này sang trò chơi khác.
Theo Venture Beat, một số người yêu thích tiền điện tử và NFT nói sẵn sàng chi tiền cho một thứ gì đó trong game nếu có thể bán hoặc nhận lại giá trị ban đầu khi quyết định ngừng chơi. Đây là điều hầu hết game truyền thống không thể có được.
Tuy nhiên, những người như Lantz hay Kee không đồng tình. Họ chỉ trích nhà phát triển chỉ đang cố thu tiền từ họ, thay vì quan tâm đến cộng đồng và sự phát triển của game. Thực tế, các nhà sản xuất trò chơi vẫn tìm nhiều cách để thu lợi từ người dùng, như yêu cầu trả tiền để nâng cấp nhân vật, cải tiến kỹ năng hoặc mua đồ để tăng sức mạnh nhân vật.
Sự phẫn nộ của cộng đồng game thủ đã làm chao đảo các công ty game. Tháng 12/2021, Sega Sammy, nhà sản xuất Sonic the Hedgehog, đã tỏ ra dè dặt về kế hoạch NFT và tiền điện tử của mình sau phản ứng tiêu cực từ người dùng. Còn Ubisoft, công ty sản xuất Assassin's Creed, cũng thừa nhận đánh giá sai về mức độ không hài lòng của game thủ sau khi công bố dự án NFT tháng trước.
Một số công ty khác chuyển NFT sang phiên bản giới hạn để bán cho người có nhu cầu. Square Enix hiện hướng đến NFT tạo ra "giá trị đích thực", tức là các vật phẩm giới hạn và có giá trị cao.
"Khi chèn động cơ về tiền bạc, lợi nhuận vào game, bạn đang chế ngự sự vui nhộn, kinh dị, tò mò hay bất cứ cảm xúc gì mà trò chơi đó mang lại. Bạn đang biến sự giải trí thành công việc", Burford nhận xét.
Burford cũng đánh giá ý tưởng đưa vật phẩm NFT từ game này qua game khác là điều không thể. Nếu có, nó cần được tinh chỉnh rất nhiều để phù hợp với các nền tảng khác nhau, gây mất thời gian, mất cân bằng lối chơi và có thể khiến game thủ thất vọng.
Cuối năm ngoái, Phil Spencer, người đứng đầu bộ phận Xbox của Microsoft, cũng nhận xét trên Axios rằng những trò chơi tập trung vào việc kiếm tiền thông qua NFT có vẻ "bóc lột". Epic Games, công ty đứng sau Fortnite, nói không với NFT trong các trò chơi tự sản xuất với lý do ngành công nghiệp này đang tồn tại "một hỗn hợp lừa đảo khó chữa".
Với Kee, anh cho biết cộng đồng của mình vẫn đang nỗ lực bảo vệ Stalker bằng cách ngăn nhà phát triển tích hợp NFT, đồng thời hy vọng các công ty khác sẽ rút ra bài học và không thực hiện điều tương tự. "Điều đó mang lại cho tôi cảm giác rằng mọi người có tiếng nói và nhà phát triển biết lắng nghe. Chúng tôi đã chứng kiến đủ loại kế hoạch 10 năm qua và không muốn mệt mỏi thêm", Kee chia sẻ.
Bảo Lâm