21h, Khoa, sinh viên năm cuối khoa Tài nguyên Môi trường, Đại học Kiên Giang, kết thúc chuyến xe cuối cùng trong ngày chở hơn 100 F0 ở khu phong tỏa hẻm Ngô Quyền, phường Vĩnh Lạc, tới bệnh viện dã chiến TP Rạch Giá.
Về tới nhà ở phường An Hòa, TP Rạch Giá, nhìn mâm cơm mẹ dọn sẵn, Khoa không ăn nổi vì mệt. Sau vài ngày ròng rã lái xe từ 8-9h đến 1h sáng hôm sau, Khoa kiệt sức, xin nghỉ một hôm rồi tiếp tục.
Vốn nhút nhát, ít hoạt động xã hội, nhưng nghe lời kêu gọi tình nguyện của Tỉnh Đoàn Kiên Giang, hôm 20/7 Khoa quyết định tham gia. Ban đầu Khoa đăng ký trực chốt, sau đó hay tin Trung tâm Y tế TP Rạch Giá mới nhận xe cấp cứu thứ hai nhưng chưa có tài xế, Khoa xin lái.
Nhà chỉ có hai mẹ con, biết con trai xung phong đi chống dịch, mẹ Khoa ủng hộ, động viên "thanh niên phải có hành động ý nghĩa, góp sức giúp người dân".
Khoa được hướng dẫn mặc đồ bảo hộ và các quy tắc an toàn như không được phép mở cửa bên hông, gần buồng lái, chỉ mở cửa sau để bệnh nhân dễ lên và giữ khoảng cách an toàn. Trên xe, ngoài Khoa còn có một bác sĩ đi cùng. Công việc không có giờ giấc cố định, gọi lúc nào Khoa lên đường lúc ấy.
Biết lái nhưng chưa từng lái xe cấp cứu, lúc đầu Khoa bối rối. Chiếc xe cồng kềnh, cơ chế vận hành khác xe thông thường khiến chàng trai phải tìm hiểu, đi chậm và tập trung hết mức để đảm bảo an toàn. Bộ đồ bảo hộ kín mít, nóng làm Khoa khó chịu, mồ hôi vã ra như tắm. "Lúc mới làm, em cũng nơm nớp lo bị lây bệnh, nhưng giờ đã quen và xông xáo hơn nhiều", nam sinh nói.
Số ca mắc ngày càng nhiều nên Khoa thường xuyên đi thông đến chiều, có hôm cả ngày chỉ lót dạ hai bịch sữa. Mỗi chuyến xe chỉ chở được 8 bệnh nhân, do đó hôm nào đông F0, Khoa phải đi hàng chục chuyến, tính ra hàng trăm cây số.
Ngày 11/8 là sinh nhật mẹ, hôm đó Khoa bận chở F1 đến đêm nên chỉ kịp nhắn tin chúc mừng. Nhận được tin nhắn từ mẹ, Khoa thêm vững vàng làm nhiệm vụ.
Một tháng lái xe cấp cứu, Khoa gặp nhiều trường hợp đau lòng. Cách đây vài hôm, cậu vận chuyển 14 F0 ở hẻm Ngô Quyền, phường Vĩnh Lạc. Hình ảnh bà lão mặc đồ bảo hộ, không thể đi lại và phải ngồi trên xe lăn được nhân viên y tế đưa ra xe cấp cứu ám ảnh cậu. Bà chỉ có một mình, không ai chăm sóc do người thân đều đã đi cách ly trước đó. Khoa bỗng nghĩ đến mẹ mình.
Khoa cũng để ý đến các em nhỏ. Có lần, cậu được thông báo tới khu cách ly tập trung ký túc xá trường Cao đẳng Sư phạm Kiên Giang đón một em bé 2-3 tuổi. Bé là người duy nhất trong gia đình có kết quả xét nghiệm dương tính sau khi từ Sài Gòn về Rạch Giá. Không yên tâm để con một mình, người mẹ xin đi cùng.
Trông bé trai chỉ được quấn tạm bên ngoài bộ bảo hộ, Khoa hướng dẫn người mẹ mặc đồ cho con cẩn thận. Trong khi bé trai hồn nhiên vui đùa, vẫy tay chào bảo vệ và mọi người trong khu cách ly trước khi lên xe cấp cứu thì mẹ bé mặt rất căng thẳng. "Biết tâm lý của những người đi cách ly rất hoang mang, em chủ động an ủi hai mẹ con để họ yên tâm", Khoa nói.
Biết Khoa tham gia lái xe chở F0, F1, bạn bè và người thân nhắn tin động viên. Nhiều người bạn thấy Khoa xung phong chống dịch cũng noi gương đi tình nguyện. "Em vui vì được mọi người ủng hộ, thấy được tiếp thêm động lực khi làm việc có ích. Em hy vọng người dân có ý thức giãn cách để dịch bệnh sớm được đẩy lùi, cuộc sống trở lại bình thường", Khoa chia sẻ.
Theo bác sĩ Trần Văn Hội, Phó giám đốc Trung tâm Y tế TP Rạch Giá, hiện trung tâm có ba sinh viên tình nguyện. Ngoài Khoa lái xe, hai bạn còn lại hỗ trợ nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm. Công việc của Khoa là chở các F0 đến bệnh viện điều trị và F1 từ khu cách ly cộng đồng về khu cách ly tập trung.
"Khoa đăng ký tình nguyện ở trung tâm và được phân công làm nhiệm vụ theo kíp. Cậu ấy chịu khó, nhiệt tình, không kể ngày đêm để hoàn thành công việc", bác sĩ Hội cho biết.
Bình Minh