6h sáng hàng ngày, thầy Nguyễn Văn Nguyên, 43 tuổi, giáo viên trường Tiểu học Nguyễn Trãi, cùng hai con tới điểm tập trung và cùng mọi người đến thu hoạch rau tại các vườn cách trung tâm TP Đà Lạt hơn chục cây số. Buổi chiều, thầy đi xin rau, khảo sát các vườn quanh Đà Lạt để hôm sau đưa mọi người tới hái. Bận rộn nhưng thầy vui vì được làm công việc ý nghĩa.
Ban đầu, thầy Nguyên và các thành viên gia đình đi xin rau để gửi đến người dân ở vùng dịch xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh, Lâm Đồng. Dịch bệnh, những chủ vườn ở Đà Lạt không tiêu thụ được sản phẩm đành phải phá bỏ vườn, xới đất lấy mặt bằng cho vụ mùa tiếp theo. Tiếc những vườn rau xanh bị phá bỏ, trong khi người dân Sài Gòn không có rau ăn, thầy Nguyên quyết định phải làm gì đó giúp đỡ mọi người, đồng thời lan tỏa tinh thần tích cực.
"Chúng tôi may mắn ở khu vực an toàn nên cảm thấy cần chia sẻ với người dân ở những nơi đang khó khăn về thực phẩm, rau xanh vì dịch bệnh. Tôi muốn lan tỏa sự yêu thương và giúp được càng nhiều người càng tốt", thầy Nguyên nói.
Được nghỉ hè, thầy đến xin các chủ vườn được thu hoạch rau. Tuy nhiên, vườn rau quá rộng, một mình làm không xuể, thầy bắt đầu huy động giáo viên trong trường Tiểu học Nguyễn Trãi. Biết đến việc làm thiết thực này, hơn 100 giáo viên các trường từ mầm non tới THCS trong thành phố đăng ký tham gia.
Mỗi ngày có 50-60 người đến vườn hái rau. Để an toàn phòng dịch, thầy cô cẩn thận chuẩn bị đồ bảo hộ, khẩu trang, màng chắn giọt bắn, găng tay khi đi làm. Giáo viên sẽ hái buổi sáng và nghỉ buổi chiều để lo công việc gia đình. Nhiều thầy cô trong ban giám hiệu tới vườn thu hoạch rau hoặc ủng hộ nước, bữa ăn nhẹ. Không ít người huy động cả chồng, con cùng đi làm thiện nguyện.
Thầy Nguyên cho hay cực nhất là đưa từng túi rau nặng từ vườn lên điểm tập kết cách đó vài chục mét. Thấy thầy cô vất vả, chủ vườn cho mượn máy cày chở rau.
Rau sẽ được nhà xe Phương Trang giúp vận chuyển về Sài Gòn và phân phát tới người dân, bếp ăn phục vụ chống dịch. Thầy Nguyên cho hay, nhà xe này được phép ra vào thành phố và nếu không có sự hỗ trợ của họ, thầy cũng không biết làm cách nào để chuyển rau đi.
Các giáo viên khác mệt có thể nghỉ ngày hôm sau, riêng thầy Nguyên không cho phép mình mệt. "Tôi đi liên tục mấy tuần qua. Những ngày đầu chân tay không nhấc nổi vì không quen làm vườn, nhưng tôi kêu gọi mọi người tham gia, giờ nghỉ thì công việc sẽ thế nào", thầy giáo chia sẻ.
Điều khiến thầy hạnh phúc là trông thấy sự nhiệt tình và phấn khởi của những người tham gia. Ai cũng vui vẻ và mong hái được nhiều rau để gửi đi.
Là một trong số giáo viên tích cực, cô giáo Trần Thị Nhật Khuyên đăng ký ngay từ khi được trường huy động và rủ chồng đi cùng. Trước đó, vợ chồng cô Khuyên tham gia hoạt động của nhà thờ, thu hoạch rau để gửi tới các giáo xứ bị ảnh hưởng của dịch bệnh nên biết cách cắt các loại rau.
Những ngày qua, nhóm giáo viên chủ yếu thu hoạch cải cúc, xà lách, cần tây, hành, rau bó xôi và cải thảo. Cải cúc và bó xôi thân mềm, dễ nhũn cần được bọc trong báo để tránh dập nát, trong khi đó cần tây, tỏi tây cứng và nặng.
Những ngày đầu cắt ở vườn hành, mùi hành xộc lên khiến mắt cô cay xè, giàn giụa nước mắt. Thời tiết Đà Lạt mùa này mưa nắng bất chợt nên cô Khuyên sợ nhất đang làm lại gặp trời mưa. Mặc áo mưa thì nóng hầm hập nhưng không mặc lại sợ bị ướt, mai ốm không dậy nổi. Nhiều hôm, nhóm xin được vườn rau trong nhà lồng. Nắng lên phả sức nóng xuống khiến các cô như đang được xông hơi.
Cô Khuyên vài lần bị ốm nhưng chỉ nghỉ một ngày rồi hôm sau tiếp tục. Mỗi ngày đi làm về, toàn thân cô ê ẩm vì ngồi lâu, tay cứng đơ vì cầm dao nhiều. Cô giáo tâm sự, nhiều vườn rau ở trong rừng, trên đồi, cách xa trung tâm và không có sóng điện thoại. Địa hình Đà Lạt chủ yếu là đồi núi và để đến được vườn, thầy cô phải vượt qua những đoạn đường lên xuống dốc nguy hiểm, sình lầy.
"Đường đi thử thách các tay lái khi đang đi lên đồi cao lại đột ngột đổ xuống dốc hoặc đi giữa đồi thông. Có nhiều đoạn, chúng tôi không dám chở nhau, phải một người xuống chạy bộ", cô Khuyên kể.
Mỗi sáng tới vườn rau, các cô giáo sẽ tự chuẩn bị dụng cụ gồm dao, găng tay, áo mưa, ủng và nước uống. Mọi người sẽ chủ động chọn khu vực làm việc và phụ trách những công đoạn khác nhau để công việc được suôn sẻ. "Tôi không có tiền cũng không đủ kinh phí để gửi rau về Sài Gòn, chỉ mong góp chút sức lực và tấm lòng, giúp người dân chống dịch", cô Khuyên tâm sự.
Cũng hướng về người dân vùng dịch, cô Nguyễn Thị Kim Vân, 54 tuổi, Hiệu trưởng trường Mầm non Xuân Thọ, TP Đà Lạt, thấy hạnh phúc khi có mặt trong đội thu hoạch rau. Đà Lạt có 12 trường mầm non ở 12 phường và 4 trường ở các xã. Giáo viên ở hầu hết trường đều tham gia hái rau.
Đường đi khó khăn nhưng tới nơi, nhìn thấy những vườn rau xanh mướt, bạt ngàn, mọi mỏi mệt trong các cô tan biến. "Nhờ thầy Nguyên khởi xướng, chúng tôi có cơ hội được giúp đỡ cộng đồng. Ngoài việc cùng nhau làm công việc có ích, hoạt động này còn giúp các thầy cô tăng tình đoàn kết, sự sẻ chia và đùm bọc lẫn nhau", cô Vân nói.
Bình Minh