Đầu tháng 7, Nguyên, 24 tuổi, sinh viên năm nhất Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM và Đại học RMIT, đăng ký làm thành viên đội khử khuẩn di động thuộc Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ trẻ - Thành Đoàn TP HCM.
Sau khi được tập huấn kiến thức cơ bản như phân biệt máy móc, cách phun, cách giữ an toàn, Nguyên cùng các tình nguyện viên đầu tiên của đội bắt tay vào công việc. Nhiệm vụ của nhóm là phun khử khuẩn ở khu vực nguy cơ lây nhiễm cao như khu phong tỏa, cách ly, bệnh viện dã chiến, hoặc cụm dân cư có F0, không phun ngoài đường phố, nơi công cộng.
Lúc đầu, nhóm sử dụng máy phun bằng điện, nặng 15-20 kg, chứa 5-10 lít dung dịch. Máy điện sau đó được thay bằng máy xăng, phun diện rộng hơn nhưng cồng kềnh và nặng. Mỗi khi làm nhiệm vụ, tình nguyện viên phải đeo trên lưng chiếc máy khoảng 40 kg.
Ngày đầu tham gia, do ngoại hình thấp bé, bình chứa dung dịch chòng chành làm Nguyên mất thăng bằng, chỉ chực ngã. Chàng trai loay hoay không xách nổi bình, phải nhờ hai người bạn hỗ trợ mới đổ được dung dịch vào. "Nắp bình mở ra, mùi dung dịch hắc, giống amoniac đậm đặc xộc thẳng vào mũi khiến em sốc. Hôm đó, em mệt lả vì vác nặng, về ngủ một mạch đến sáng", Nguyên nhớ lại.
Nguyên trở về nhà trong bộ dạng người cháy đen vì nắng, lưng bầm tím, toàn thân nhức mỏi. Có lần dây đeo bị đứt, em suýt bị bình rơi trúng chân. Nghĩ tới dịch được kiểm soát, người dân sớm trở lại cuộc sống bình thường, chàng trai quyết không bỏ cuộc. Rèn luyện hàng ngày, dần dần nam sinh quen với cân nặng của bình phun, tự thao tác mà không cần trợ giúp, có thể dùng thính giác để xác định dung dịch pha đặc hay loãng.
Mỗi sáng, Nguyên tới điểm tập kết ăn sáng, nhận dụng cụ, sắp xếp 5 can dung dịch (mỗi can 30 lít) lên xe và làm nhiệm vụ theo phân công tới trưa. Mỗi nhóm nhỏ sẽ có khoảng 3-4 người đi xe bán tải tới điểm phun. Sau khoảng một tiếng nghỉ trưa, chàng trai tiếp tục công việc và trở về điểm tập kết lúc 19h.
Trước khi là thành viên thường xuyên của đội phun khử khuẩn, Nguyên tham gia các hoạt động tình nguyện nhỏ lẻ gồm trực chốt, dọn dẹp ký túc xá, vận chuyển hàng hóa, nhập liệu, điều phối và hỗ trợ bếp ăn từ thiện từ đầu tháng 6. Chàng trai giấu gia đình việc đi chống dịch, chỉ nói đi làm mỗi khi ba mẹ thắc mắc.
Về sau gia đình biết chuyện cũng không ngăn cản mà dặn dò Nguyên cẩn thận. Mỗi ngày trở về nhà, ba mẹ đều chuẩn bị sẵn một chai cồn để Nguyên xịt người và xe cẩn thận rồi mới vào.
Chàng trai 24 tuổi tâm sự, trước đây sống khép kín, bị người xung quanh xem thường. "Nhưng tuổi trẻ chỉ có một lần, em không muốn thu mình lại trong nỗi mặc cảm, tự ti mà muốn giúp ích cho đời", Nguyên nói. Tham gia tình nguyện, Nguyên thấy mình trưởng thành, tự tin hơn. Cậu hạnh phúc khi nhận được tin nhắn động viên của bạn bè, lời cảm ơn của người dân mỗi khi kết thúc nhiệm vụ.
Đội của Nguyên có không ít nữ. Lê Thị Ngọc Thùy, 20 tuổi, sinh viên Phân viện Miền Nam - Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, là một trong số đó. Các tình nguyện viên nữ được ưu tiên làm hậu cần, lo cơm ăn và đồ bảo hộ cho mọi người. Những lúc thiếu người, Thùy sẵn sàng đeo bình làm nhiệm vụ.
Công việc của các tình nguyện viên phun khử khuẩn thường trực nguy hiểm do thường xuyên phải tới những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao. Thùy nhớ nhất lần tới khu dân cư nghèo tại quận Bình Thạnh phun vào buổi tối. Lúc ấy khoảng 20h, 8 thành viên trong nhóm cuốc bộ khoảng 3 km mới vào tới nơi do đường nhỏ, xe không đi được. Tới nơi, Thùy thấy những dãy nhà lụp xụp, đường đi chỉ vừa đủ một người, không gian bí bách, tối tăm.
Mỗi lần hết dung dịch, tình nguyện viên phải quay ra xe lấy rồi trở lại. Suốt mấy tiếng, cả đội phun hết 8-9 can. Hôm đó đeo bình 40 kg, Thùy quay ra được hai lần rồi đành nghỉ. "Ai cũng rã rời vì phải vòng đi vòng lại nhiều lần. Nhưng sau một đêm nghỉ ngơi, hôm sau mọi người lại đi làm bình thường", Thùy kể.
Cô gái quê Cà Mau chia sẻ, sau thời gian tham gia hỗ trợ tiêm vaccine, lấy mẫu xét nghiệm và trực chốt, em đến với công việc phun khử khuẩn. Sau khi ba mất, Thùy về quê chịu tang rồi quyết định trở lại Sài Gòn tiếp tục chống dịch. "Em cũng sợ mắc bệnh, nhưng nỗi sợ đó không lớn bằng mong muốn chiến thắng dịch bệnh. Chỉ cần biết bảo vệ bản thân, em có thể an toàn", Thùy nói.
Theo anh Hoàng Sơn Giang, Phó trưởng phòng Quản lý Khoa học và Phát triển dự án của Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ trẻ - Thành Đoàn TP HCM, nhóm phun khử khuẩn có hơn 200 người, trong đó khoảng 20 nữ. Các bạn được chia làm hai đội làm nhiệm vụ ở khu vực trung tâm thành phố và tăng cường ở TP Thủ Đức cùng các quận, huyện phía Đông.
Lực lượng tham gia gồm nhiều thành phần, từ học sinh vừa tốt nghiệp THPT, sinh viên đến giảng viên, nghệ sĩ. Họ được trang bị bảo hộ cấp bốn, hướng dẫn quy tắc an toàn, được xét nghiệm thường xuyên và yêu cầu hạn chế giao lưu để tránh lây nhiễm.
"Các tình nguyện viên rất nhiệt tình. Lúc đầu tôi e ngại nữ không tham gia được do công việc cần sự dẻo dai, có sức mạnh, nhưng các bạn ấy rất hăng hái và muốn được hỗ trợ. Tinh thần, nhiệt huyết và sự nghiêm túc trong công việc của các thành viên rất đáng khen ngợi", anh Giang nhận xét.
Bình Minh