"Kiểu phản ứng tự phát thực sự không có ý nghĩa gì", Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla nói trong cuộc họp báo ở thành phố Durban hôm 26/11, thêm rằng lệnh cấm đi lại vi phạm quy định và tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Bình luận của ông Phaahla được đưa ra trong bối cảnh hàng loạt nước, trong đó có Mỹ, EU, siết hạn chế đi lại với khu vực phía nam châu Phi do biến chủng Omicron mới được phát hiện tại Nam Phi. Các quốc gia chịu ảnh hưởng của lệnh cấm bao gồm Nam Phi, Botswana, Eswatini (Swaziland), Lesotho, Namibia, Zambia, Mozambique, Malawi và Zimbabwe.
Phaahla chỉ trích các nước "muốn đổ lỗi" và gán biến chủng mới này cho Nam Phi thay vì hợp tác để giải quyết tình hình theo hướng dẫn của WHO.
"Covid-19 là tình huống y tế khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu. Chúng ta phải hợp tác, không phải trừng phạt nhau", Phaahla nói. "Các cuộc săn phù thủy không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai. Nam Phi muốn trở thành người chơi trung thực trên thế giới, chia sẻ thông tin sức khỏe để mang lại lợi ích cho người dân Nam Phi và trên thế giới".
Bộ Ngoại giao Nam Phi cũng ra thông cáo nói rằng quyết định của một số nước trên thế giới về cấm chuyến bay từ Nam Phi sau khi biến chủng mới được phát hiện "cứ như đang trừng phạt Nam Phi vì công nghệ giải trình tự gene tiên tiến và khả năng phát hiện biến chủng mới nhanh hơn", Bộ Ngoại giao Nam Phi hôm nay cho hay.
"Khoa học xuất sắc nên được hoan nghênh và không bị trừng phạt", tuyên bố nêu thêm, chi ra rằng các biến chủng nCoV được phát hiện ở những nơi khác trên thế giới. "Mỗi ca nhiễm trong số đó không có mối liên hệ nào gần đây với Nam Phi, nhưng phản ứng đối với các quốc gia đó hoàn toàn khác so với các ca nhiễm ở Nam Phi".
WHO họp khẩn ngày 26/11 và đổi tên biến chủng B.1.1.529 mới phát hiện thành Omicron, xếp vào danh sách biến chủng đáng lo ngại do khả năng lây nhiễm cao hơn Delta. Omicron được báo cáo lần đầu ở Nam Phi, một số ca nhiễm khác cũng được ghi nhận tại Botswana, Bỉ, Israel và đặc khu hành chính Hong Kong của Trung Quốc.
Theo Phaala, các nghiên cứu sơ bộ cho thấy biến chủng mới có thể dễ lây nhiễm hơn nhưng vaccine hiện tại vẫn phát huy hiệu quả ngăn ca nghiêm trọng.
WHO hôm 26/11 cho rằng các quốc gia không nên vội vàng áp lệnh cấm đi lại liên quan biến chủng mới, đồng thời kêu gọi áp dụng cách tiếp cận dựa trên khoa học và đánh giá đúng mức độ rủi ro.
Giới khoa học đang chạy đua xác định mối đe dọa từ chủng Omicron và có cần điều chỉnh các loại vaccine Covid-19 hiện tại hay không. BioNTech và Pfizer cho biết đang nghiên cứu biến chủng Omicron và sẽ quyết định có nên điều chỉnh vaccine, trong khi Moderna thông báo sẽ phát triển mũi tăng cường chuyên đối phó Omicron.
Huyền Lê (Theo CNBC)