Tỷ phú công nghệ 52 tuổi bước sang 2023 với khối tài sản giảm gần 200 tỷ USD, trở thành người mất nhiều tiền nhất trong một năm. Đây được coi là dấu hiệu đầu tiên cho thấy ông sẽ trải qua một năm đầy khó khăn. Hiện tài sản của ông là 231 tỷ USD.
Tháng 12, Musk có tên trong danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất toàn cầu do Time bình chọn nhưng hồ sơ mô tả ông không mang ý tích cực khi bị gọi là "kẻ chơi khăm trực tuyến". "Thật đáng tiếc, vì phần lớn những gì ông ấy đã cố gắng thực hiện trong suốt sự nghiệp của mình đều táo bạo và truyền cảm hứng dù nhiều thứ trong đó vẫn chỉ là khát vọng", nhà báo Kara Swisher viết. "Dưới sự điều hành thất thường, Twitter trở thành một nền tảng của sự giận dữ và bất bình. Ông ấy lãng phí quá nhiều thời gian để loay hoay với cây vĩ cầm độc hại đang bốc cháy. Đó là Musk 2023".
Đổi tên Twitter thành X
Elon Musk tiếp quản Twitter cuối tháng 10/2022 và lập tức đưa ra hàng loạt thay đổi lớn trên mạng xã hội này, như sa thải đa số nhân sự hay bán tích xanh với giá 8 USD. Từ tháng 4, Twitter sáp nhập vào X Corp và đến tháng 5, Musk công bố bà Linda Yaccarino là CEO. Hai tháng sau, biểu tượng chim xanh quen thuộc với hàng trăm triệu người dùng biến mất khi tỷ phú Mỹ bất ngờ đổi tên Twitter thành X.
Musk cũng liên tục đưa ra những chính sách mang tính tranh cãi hơn là thúc đẩy mạng xã hội phát triển, như thu phí người dùng từ mức một USD đến hơn nghìn USD, mở lại các tài khoản đã bị khóa trước đây, hay có những bình luận ủng hộ một bài đăng chống Do Thái. Hệ quả, hàng loạt nhà quảng cáo quay lưng, trong đó có những thương hiệu lớn như Adidas, Apple, GM, Walt Disney. Theo Rolling Stone, hầu hết không muốn tên của họ xuất hiện bên cạnh nội dung tiêu cực, tin giả hoặc bài viết công kích, xúc phạm. Trước khi về tay Musk, Twitter có doanh thu hơn 5 tỷ USD năm 2021 và từng dự kiến đạt 7,5 tỷ USD năm 2023. Tuy nhiên, theo Bloomberg, con số thực tế có thể ở mức dưới ba tỷ USD.
Hồi tháng 3, tỷ phú nói doanh thu quảng cáo "giảm 50%" và sau đó ông nhắc lại con số này vào tháng 7. Đến tháng 9, Musk xác nhận quảng cáo tại Mỹ giảm 60%, nhưng đổ lỗi rằng các nhà quảng cáo "bị xúi giục" không tiếp tục chi tiền cho nền tảng, thậm chí dành lời thô tục cho những bên tẩy chay X. Cuối tháng 10, Musk tự định giá X còn 19 tỷ USD, giảm hơn nửa so với 44 tỷ USD ông đã bỏ ra để mua mạng xã hội. Tại hội nghị DealBook tháng 11, Musk nói ông lo ngại doanh thu quảng cáo sụt giảm có thể khiến công ty phá sản.
Thách đấu với Mark Zuckerberg
Elon Musk và Mark Zuckerberg bắt đầu bất hòa từ năm 2016 khi nhiều lần lời qua tiếng lại trên truyền thông. Tuy nhiên, từ giữa năm, cả hai đã công khai đối đầu nhau.
Ngày 21/6, khi Musk chỉ trích việc Zuckerberg chuẩn bị công bố Threads, mạng xã hội có cơ chế hoạt động tương tự Twitter. Từ gợi ý của một người dùng, Musk thách đấu võ lồng với ông chủ Meta. Sau đó, tỷ phú gốc Nam Phi làm các chiêu trò để thu hút sự chú ý như tập tạ, thuê võ sĩ huấn luyện hay lái xe tới nhà Musk. Tuy nhiên, ông lại tìm cách tránh đấu võ trực tiếp với các lý do khác nhau, gồm cả việc phải phẫu thuật. Đến giữa tháng 8, ông nói ban đầu chỉ đùa vui về trận đấu.
Theo CNBC, việc Musk khiêu chiến là hành động tức giận nhất thời. Ngoài ra, ông cũng muốn hướng mối quan tâm của cộng đồng đến bản thân ông trên mạng xã hội, thay vì vào loạt công ty như X hay Tesla - vốn hoạt động không mấy hiệu quả và dính nhiều vụ kiện tụng năm nay.
Lập công ty xAI và ra mô hình Grok
Ngày 12/7, Musk thành lập xAI, công ty chuyên về nghiên cứu trí tuệ nhân tạo, với tham vọng "hiểu bản chất thực sự của vũ trụ" và phát triển giải pháp thay thế ChatGPT. Hai tháng sau, công ty công bố mô hình AI tạo sinh đầu tiên là Grok. Tỷ phú cho biết hệ thống AI mới được thiết kế để có thể tương tác với con người một cách hài hước thay vì trả lời câu hỏi đơn thuần, được tạo ra trong hai tháng, và dùng chính lượng dữ liệu khổng lồ của mạng xã hội X để đào tạo.
Tuy nhiên, việc Musk thành lập công ty AI và ra sản phẩm đầu tiên gây ngạc nhiên bởi ông thường xuyên cảnh báo về những mối đe dọa mà trí tuệ nhân tạo gây ra cho nhân loại. Ông từng đánh giá AI nguy hiểm hơn vũ khí hạt nhân, đồng thời tích cực kêu gọi kiểm soát việc phát triển. Ông cũng ký vào một bức thư đầu năm nay với nội dung kêu gọi các công ty, tổ chức toàn cầu ngừng cuộc đua siêu AI trong sáu tháng để cùng xây dựng một bộ quy tắc chung về AI. Hồi tháng 11, ông cho rằng sẽ đến lúc con người không cần việc làm nữa bởi AI có thể làm mọi thứ và điều đó "vừa tốt vừa xấu".
Cuộc chiến giành nuôi con với người yêu cũ
Ca sĩ Grimes và Musk hẹn hò từ 2018 sau khi quen trên mạng xã hội. Trước khi chia tay vào tháng 3/2022, cả hai có ba con chung là X Æ A-12 (X), Exa Dark Sideræl (Y) và Techno Mechanicus.
Trong năm 2023, cả hai liên tục đưa nhau ra tòa. Hồi tháng 9, Musk kiện Grimes ở Texas nhằm "thiết lập mối quan hệ cha mẹ và con cái" với ba con chung. Vài tuần sau, Grimes kiện ngược Musk ở California để giành quyền nuôi con. Theo các chuyên gia luật, vấn đề đầu tiên trong cuộc chiến này là xác định bang nào có thẩm quyền: California hay Texas, do mức trợ cấp nuôi con ở hai bang khác nhau.
Theo quy định ở Texas, khoản hỗ trợ nuôi con hàng tháng được giới hạn ở mức 2.760 USD cho ba đứa trẻ. Còn bang California không có giới hạn, nghĩa là một tỷ phú giàu có như Musk có thể phải trả số tiền lớn. Grimes hiện ở California với hai con, trong khi con đầu X Æ A-12 ở cùng Musk tại Texas. Peter Walzer, luật sư của hãng luật Walzer Melcher, nói với Business Insider rằng Musk và Grimes có thể mất hàng tháng trời chỉ để chứng minh ba người con thực sự sống ở bang nào. Trước đó, Grimes cho biết khó liên lạc tỷ phú và phải "lùng sục" ít nhất 12 nơi để gửi ông giấy tờ giải quyết quyền nuôi con. Lần gần nhất Musk xuất hiện công khai cùng bé X là trong trận bóng bầu dục ngày 10/12. Ngày 19/11, ông cũng đưa cậu bé tới buổi phóng tên lửa.
Bảo Lâm