Ngày 15/7 là hạn cuối các trường phổ thông hoàn thành chương trình năm học 2019-2020. Nhiều trường đã xong lễ bế giảng. Nhìn lại năm học qua, thầy, trò và cả phụ huynh nhiều lúc "ngộp thở" bởi quá nhiều thay đổi.
Năm học 2019-2020 bắt đầu với thông điệp từ cô bé Nguyễn Nguyệt Linh, học sinh trường Marie Curie (Hà Nội), kêu gọi trường học không thả bóng bay vào ngày khai giảng để bảo vệ các loài sinh vật và môi trường. Rất nhiều trường học hưởng ứng, lễ khai giảng diễn ra tốt đẹp với những màn thả chim, viết mong ước năm học mới diễn ra tốt đẹp.
Học kỳ I diễn ra suôn sẻ, ngoại trừ sự cố hy hữu bé trai lớp 1 bị bỏ quên trên ôtô hay bữa cơm học đường gây tranh cãi. Nhưng sau một tuần nghỉ Tết Canh Tý, học sinh quay trở lại trường học tiếp học kỳ II, mọi thứ xáo trộn hoàn toàn do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Ngày 30-31/1, học sinh Hà Nội và nhiều tỉnh thành trở lại trường với chiếc khẩu trang đeo trong lớp. Các trường nhanh chóng tăng cường biện pháp phòng dịch như sát trùng phòng học, đo thân nhiệt thường xuyên cho học sinh.
Chiều 1/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc công bố dịch ở Việt Nam. Một ngày sau, Hà Nội cùng 22 địa phương thông báo cho học sinh nghỉ học một tuần. Bậc đại học, 70 trường điều chỉnh lịch học từ ngày 3/2 lên 10/2, thậm chí 17/2, chậm 1-2 tuần so với lịch đi học trở lại sau Tết Canh Tý. Đến ngày 3/2, tất cả tỉnh thành đóng cửa trường học vì dịch bệnh - điều chưa từng xảy ra trong lịch sử.
Kể từ đó, cứ cuối tuần phụ huynh, học sinh và giáo viên thấp thỏm chờ thông báo lịch học tuần tới từ chính quyền địa phương. Có tỉnh chuẩn bị cho học sinh đi học trở lại, nhưng sau đó phát hiện ca nghi nhiễm nên phải thay đổi. Tranh cãi đi hay nghỉ học nổ ra khi tâm dịch Sơn Lôi (Vĩnh Phúc) đã được khống chế, Việt Nam trải qua hơn 20 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới. Phụ huynh lo lắng, bàn tán cách trông con mà vẫn đảm bảo công việc.
Đến ngày 6/3, khi Hà Nội ghi nhận "bệnh nhân 17" và liên tiếp nhiều ca sau đó, tranh cãi về việc đi học hay không mới chấm dứt. Suốt tháng 3-4, các tỉnh thành liên tục cho học sinh nghỉ học. Hầu hết đại học, cao đẳng đóng cửa. Phương pháp dạy học qua Internet và truyền hình được ứng dụng rộng rãi.
Dù có nhiều vướng mắc như thiết bị, phần mềm không đồng bộ, một số nơi không có Internet, phương pháp này vẫn được cho là hữu hiệu nhất trong bối cảnh học sinh không thể đến trường. Nhiều thầy cô đã sáng tạo cách dạy online hấp dẫn để thu hút học sinh, vốn đang cuồng chân vì phải ở trong nhà.
Do Covid-19, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải hai lần thay đổi khung thời gian năm học, ngày kết thúc được lùi đến trước 15/7, chậm một tháng rưỡi so với mọi năm. Học sinh phải đến trường giữa mùa hè nắng nóng, các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Trung Bộ nhiệt độ nhiều ngày lên trên 37 độ C. Nhiều trường học đã phải thay đổi giờ học, cho học sinh nghỉ một buổi, bổ sung quạt, điều hòa... để chống nóng.
Đầu hè mưa nhiều cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi học sinh đến trường. Sáng 26/5, cây phượng cổ thụ trong sân trường THCS Bạch Đằng ở TP HCM bật gốc sau cơn mưa lớn, đè 18 học sinh, làm một em tử vong. Sau đó, nhiều cây xanh ở các trường khác cũng đổ. Không thể đổ lỗi năm học kết thúc muộn mà cây đổ, nhưng điều kiện thời tiết giai đoạn này cũng ít nhiều ảnh hưởng.
Năm học kết thúc muộn dẫn tới sự thay đổi của các kỳ thi quan trọng. Kỳ thi THPT quốc gia của gần 90.000 học sinh được lùi tới ngày 9-10/8 thay vì cuối tháng 6 như mọi năm. Do thời điểm đó Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học đã có hiệu lực, Bộ Giáo dục và Đào tạo không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia mà thay bằng thi tốt nghiệp THPT, các địa phương giữ vai trò chủ trì, trường đại học chỉ thanh kiểm tra.
Trước khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đi đến quyết định này, phụ huynh và học sinh đã trải qua cảm giác hoang mang khoảng ba tuần. Ban đầu, Bộ cho biết vẫn tổ chức kỳ thi THPT quốc gia như năm 2019 nhưng giảm số môn và nội dung. Thậm chí, Bộ còn công bố đề thi tham khảo để học sinh có hướng ôn tập.
Một tuần sau, học sinh lớp 12 bất ngờ khi Bộ dự kiến kỳ thi THPT quốc gia sẽ được thay thế bằng thi tốt nghiệp THPT. Học sinh làm ba bài độc lập là Toán, Văn, Ngoại ngữ và một bài tự chọn Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội. Mỗi bài tự chọn được chấm một đầu điểm thay vì ba đầu điểm môn thành phần. Phương án trên được Thủ tướng chấp thuận. Học sinh lại rối bời vì phải ôn tới 5-6 môn thay vì chỉ 3 môn theo tổ hợp xét tuyển truyền thống.
Giữa lúc nhà trường, giáo viên, học sinh phản ứng dữ dội, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết sẽ giữ nguyên ba đầu điểm ba môn thành phần của bài thi tổ hợp như năm 2019. Như vậy, kỳ thi không thay đổi nhiều so với thi THPT quốc gia năm 2019, học sinh lại thở phào.
Với những thay đổi nhanh chóng, các trường đại học cũng lúng túng, liên tiếp thông báo thay đổi phương án tuyển sinh. Nhiều trường như Đại học Quốc gia Hà Nội, Kinh tế quốc dân, Bách khoa Hà Nội lên kế hoạch tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh, sau phải bỏ hoặc thu hẹp quy mô.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập ở các tỉnh thành cũng phải thay đổi. Hà Nội và nhiều địa phương quyết định bỏ bớt môn thi để giảm áp lực cho học sinh.
Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến trường tư, vốn không được nhà nước bao cấp. Hàng loạt giáo viên, đặc biệt là bậc mầm non, phải nghỉ việc không lương, thậm chí bị sa thải. Các cô giáo phải xoay đủ nghề từ bán hàng online đến trông thêm trẻ và khi hết cách thì về quê nương nhờ bố mẹ.
Việc thu phí học online cũng dẫn đến một số tranh cãi, đặc biệt ở trường quốc tế. Ngày 5/5, hơn 200 phụ huynh trường Quốc tế Việt Úc ở TP HCM (VAS) tập trung ở cổng trường, giơ khẩu hiệu phản đối chính sách thu học phí trong thời gian diễn ra dịch bệnh. Phụ huynh trường Quốc tế Úc (AIS Saigon) mặc đồng phục in dòng chữ yêu cầu trường minh bạch, tôn trọng phụ huynh.
Vì những bất đồng, trường Quốc tế Việt Úc gửi thư thông báo không tiếp nhận hơn 40 học sinh trong năm học tới khiến nhiều phụ huynh rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, chạy khắp nơi tìm trường có chương trình học phù hợp cho con. Một số khác gửi đơn kiến nghị lên cơ quan chức năng nhằm đòi lại công bằng.
Nhắc đến ảnh hưởng của Covid-19, nhiều nhà giáo dục đánh giá "trong nguy có cơ". Đã có nhiều thay đổi tích cực từ cơ quan quản lý. Bộ Giáo dục và Đào tạo tinh giản 5-7 tuần trong chương trình học do học sinh nghỉ học dài và học online không đảm bảo 100% hiệu quả. Tinh giản chương trình là mong mỏi bao năm qua của phụ huynh và những người quan tâm đến giáo dục.
Không chỉ dừng lại ở năm học 2019-2020, Bộ khẳng định sẽ tiếp tục rà soát để tinh giản nội dung dạy học, giảm tải chương trình áp dụng cho các năm tiếp theo. Vụ trưởng Giáo dục trung học Nguyễn Xuân Thành cho biết dự kiến cấp THCS và THPT sẽ được điều chỉnh từ 37 xuống còn 35 tuần thực học.
Do khung thời gian năm học 2019-2020 thay đổi, thời gian tựu trường năm học 2020-2021 cũng lùi theo. Thay vì tựu trường sớm nhất vào ngày 1/8 như mọi năm, năm nay các địa phương chỉ cho học sinh quay lại trường từ ngày 1/9, khai giảng ngày 5/9. Bộ yêu cầu các trường không tổ chức dạy học trước khai giảng và khẳng định việc đi học trước một tháng sẽ chấm dứt từ năm học tới.
Học sinh, sinh viên, qua một năm học biến động cũng học hỏi được nhiều điều. Như đánh giá của thầy Đỗ Tuấn Minh, Hiệu trưởng Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, lứa sinh viên qua được đại dịch này đã xuất sắc vượt qua khóa học về ứng dụng công nghệ thông tin, tích lũy được kỹ năng quan trọng nhất như: quản lý thời gian, quản lý cảm xúc, biết cách vượt qua áp lực... và quan trọng hơn biết trân quý những giá trị, yêu gia đình, bạn bè, thầy cô. Những kỹ năng này bình thường phải vài năm mới có.
Hiện, Việt Nam đã trải qua 84 ngày không phát sinh ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Sau một năm đầy biến động, nhà trường, phụ huynh và cả học sinh, sinh viên đều hy vọng năm học mới 2020-2021 diễn ra suôn sẻ.