Rạng sáng 11/4, thầy Đỗ Tuấn Minh đăng "thư ngỏ" gửi đồng nghiệp lên trang Facebook cá nhân. Trên những trang giấy khổ nhỏ, thầy đã chia sẻ những vất vả của giảng viên, sinh viên trong dạy và học online, mong thầy cô giảm tải, giảm yêu cầu và giảm kỳ vọng với các em.
Đến nay, thư nhận được gần 5.000 lượt yêu thích, hơn 2.500 lượt chia sẻ. Trong hơn 300 bình luận, rất nhiều học trò cảm ơn thầy đã "hiểu cho tâm lý sinh viên", "làm em càng thêm yêu ULIS", "tâm thư của thầy chạm đến mọi trái tim"...
Dưới đây là toàn văn bức thư:
Các thầy cô thân mến!
Đã bước sang ngày 11/4/2020. Hôm nay là thứ bảy. Mong các thầy cô có một cuối tuần trọn vẹn để nghỉ ngơi, tiếp thêm năng lượng cho một tuần mới - một tuần mà tất cả chúng ta vẫn trong trạng thái cách ly xã hội. Hôm qua, tôi có cuộc họp trực tuyến quan trọng bàn về các giải pháp hỗ trợ sinh viên ULIS trong giai đoạn chống Covid-19 đầy cam go này.
Các thầy cô đều biết, đáng lẽ từ ngày 3/2 chúng ta đã trở lại nhịp bình thường của học kỳ II, nhưng con virus quái quỷ kia đã khiến chúng ta phải thực hiện việc dạy và học trong một điều kiện rất bất bình thường: Trực tuyến 100%! Sau một chút lúng túng ban đầu, thầy và trò ULIS nhanh chóng bắt nhịp với các bài giảng online, các giờ ghi hình ở studio và phát sóng trực tiếp. Thực sự, tôi thấy khâm phục và ngưỡng mộ các thầy cô.
Vượt qua các trở ngại về tâm lý, rào cản về công nghệ mới, các thầy cô ULIS đã vững vàng, tự tin với những giờ lên lớp qua Zoom, Teams, Google Meet... Nhiều sáng kiến mới, thủ thuật hay được áp dụng. Thầy say sưa, trò hứng khởi. Tự nhiên thấy yêu mến công nghệ hơn!
Thế nhưng, vâng cuộc sống luôn có chữ "nhưng" ấy! Dạy online rồi chúng ta mới thấy nó vất vả, cực khổ hơn nhiều lần. Cá nhân tôi nghĩ công sức phải bỏ ra gấp ba lần. Thầy cô vất vả hơn - Vẫn cố gắng được! Nhưng còn học trò của chúng ta thì sao? Khi phải bắt nhịp với thời khóa biểu học online giống như thời khóa biểu học "face to face" thì thầy cũng mệt mà trò cũng oải! Ta hãy thử dán mắt vào màn hình mấy tiếng đồng hồ mà xem. Biết nhau ngay!
Thầy mệt không chỉ vì phải chuẩn bị bài nhiều hơn mà còn phải tạo ra nhiều hoạt động hơn, giữ mức độ tương tác nhiều hơn khi chỉ giao tiếp qua màn hình. Sinh viên, sau những hào hứng, phấn khích ban đầu với công nghệ, thì bắt đầu uể oải, mệt mỏi, chán chường! Và lúc này, thầy cô giáo chúng mình bắt đầu phải "lên gân" một chút, bực mình một chút. Chúng ta lo lắng cho lũ học trò không chịu học, mất tập trung trong giờ trực tuyến (mà có Trời mới biết chúng làm gì, kể cả có bật hết Webcam lên).
Kết quả là thầy cô bắt đầu yêu cầu cao hơn, giao nhiều bài tập hơn và giọng nói bớt dịu dàng đi. Các giờ học trở nên nặng nề hơn, việc điểm danh sát sao hơn và thầy cô bắt đầu nói về câu chuyện kiểm tra đánh giá (Biết thân, biết phận thì học đi. Học online nhưng thi cử vẫn như bình thường đấy nhé!).
Có thể những mô tả này của tôi không phải những gì diễn ra trong các lớp của thầy cô, nhưng cũng không phải là không có. Những lời kêu ca, phàn nàn về áp lực deadlines, lịch học dày, bài vở nhiều bắt đầu nhiều hơn. Đây đó, cả kênh chính thức và phi chính thức, chính danh và ẩn danh, đã có sinh viên viết "Tâm thư" trình bày về nguyện vọng được giảm, miễn học phí. Những tiếng nói này sẽ nhiều lên và cần được lắng nghe.
Trở lại câu chuyện về cuộc họp chiều 10/4, chúng tôi đã bàn về các giải pháp hỗ trợ sinh viên vượt qua khó khăn trong giai đoạn này. Một gói hỗ trợ toàn diện cho sinh viên ULIS sẽ được công bố vài ngày nữa. Tuy nhiên, điều thôi thúc tôi viết thư ngỏ này gửi các thầy cô lại là một điều rất giản dị mà chúng ta có thể ngay lập tức hỗ trợ cho sinh viên của chúng ta. Nó nằm vỏn vẹn ở ba cụm từ thôi: giảm tải - giảm yêu cầu - giảm kỳ vọng.
Các thầy cô hãy tin tôi đi. Lứa sinh viên vượt qua được trận đại dịch này đã xuất sắc vượt qua một khóa học về ứng dụng công nghệ thông tin khó nhất, tích lũy được kỹ năng quan trọng nhất như: quản lý thời gian, quản lý cảm xúc, biết cách vượt qua áp lực, kỹ năng đàm phán, phản biện và quan trọng hơn các em ấy biết trân quý những giá trị, yêu gia đình, bạn bè, thầy cô và biết chấp hành kỷ luật.
Những năng lực và kỹ năng này có được trong hơn hai tháng qua mà nếu bình thường thì phải vài năm mới có.
Do vậy, xin các thầy cô hãy giảm tải. Xin hãy giảm bớt nội dung chưa thực sự cần thiết (có thể học sau cũng được mà!). Xin hãy giao bớt bài tập, giảm tần suất các buổi trình bày. Phần thuyết trình của thầy cô xin ngắn lại, tăng giao lưu, tương tác với học trò. Học rồi phải có nghỉ ngơi, tập vài động tác thể dục rồi thư giãn. Cần tăng tiếng cười trong các giờ online thầy cô ạ! Nhìn chúng nó cười qua Webcam cũng vui mà!
Tiếp nữa, chúng mình hãy giảm yêu cầu, đặc biệt trong kiểm tra đánh giá. Nếu giao sinh viên làm tiểu luận, làm bài tập lớn, xin thầy cô hãy hướng dẫn tỉ mỉ, hãy cung cấp đường dẫn đến tài liệu tham khảo, hãy chọn những chủ đề quen thuộc thôi nhé! Nếu yêu cầu nộp bài sau một tuần, xin cho chúng thêm thời gian (thêm một tuần nữa chẳng hạn!).
Sắp thi học kỳ II rồi, thầy cô hãy cho sinh viên đề cương ôn tập, trong đó công bố rõ trọng tâm, trọng điểm nội dung cần học (nhớ là giảm tải nhé). Bình thường chúng ta yêu cầu 10 phần, nay thầy cô chỉ yêu cầu 7 phần là lý tưởng rồi. Sau khi đã giảm tải trong quá trình học, giảm yêu cầu trong kiểm tra đánh giá thì tự nhiên những kỳ vọng quá cao của chúng ta cũng được giảm bớt. Mục tiêu nay đã được xác định sát thực hơn, thầy cũng bớt lo mà trò cũng thấy thoải mái. Kết quả khi ấy sẽ tốt hơn và tạo ra cho chúng ta tâm lý tốt hơn - điều rất cần trong lúc này.
Các thầy cô đọc đến đây có thể cũng thấy băn khoăn: Liệu chất lượng có bị giảm sút? Liệu sinh viên có tranh thủ để mà buông xuôi? Không! Sinh viên ULIS của chúng ta là những người bản lĩnh và có lòng tự trọng. Họ sẽ luôn cố gắng vì biết thầy cô vất vả là vì họ.
Những gì được dạy trên lớp, sinh viên sẽ học qua nhiều con đường khác. Những gì chưa xuất hiện trong bài kiểm tra hôm nay, không lo - các thầy cô sẽ làm điều đó ở học kỳ sau.
Nhưng nếu mất đi niềm vui thích, động lực họp tập, rất có thể những bước chệch choạc ngày hôm nay sẽ là bước trượt dài ngày mai. Chúng ta phải giữ cho bằng được niềm tin yêu của sinh viên với nhà trường, với thầy cô. Chúng ta sẽ gặp lại các em ấy trên giảng đường. Và khi ấy, các em đã chững chạc hơn, trưởng thành hơn. Thầy và trò cùng nhìn lại thời dạy và học của kỳ nghỉ Tết kéo dài này và tự nói: "We made it! Chúng ta đã vượt qua và chiến thắng"!
Biên tạm vài lời, văn chương lủng củng, nhưng mong các thầy cô đồng cảm và chia sẻ!
Chào một ngày mới!
Đỗ Tuấn Minh