Tôi về quê thăm vợ chồng ông bác ruột mà thấy xót xa lòng. Lẽ ra ở tuổi hơn 70, vợ chồng ông bác phải được nghỉ ngơi nhưng hàng ngày phải lọ mọ trồng rau, nuôi gà để kiếm tiền đi chợ.
Người ngoài nhìn vào căn nhà bề thế của vợ chồng ông bác tôi sẽ nghĩ rằng đó là tuổi già lao động nhẹ cho giãn gân cốt. Nhưng chỉ người họ hàng ruột thịt mới biết đó là sự thật éo le: tiền dưỡng già của hai vợ chồng ông bác bị đám con "bòn rút" hết từ lâu rồi.
Không một hóa đơn nào có thể ghi hết được chi phí nuôi năm đứa con ăn học đến nơi đến chốn. Vậy mà vợ chồng ông bác tôi vẫn nuôi nổi, thậm chí còn tích lũy được một khoản tiền dưỡng già, cộng thêm tiền bán một mảnh vườn nho nhỏ ở xã khác.
Thế rồi số tiền đó đã đi đâu mất? Bà bác gái nói với tôi: "Cứ mỗi lần về thăm là chúng nó lại hỏi mượn vài chục triệu để đầu tư cái này, làm ăn cái kia, cả chục năm, ba, bốn đứa con nên tiền nào chịu cho thấu".
Những ông anh bà chị họ của tôi đều vận dụng chiến thuật "thả con săn sắt, bắt con cá rô". Mua vài lon nước yến, một hộp sữa gọi là quà biếu hiếu thảo với bố mẹ, sau đó hỏi mượn vài chục triệu làm ăn. Rồi sau đó nữa là "quên" luôn khoản tiền đó.
Hai vợ chồng bác đòi thì họ bảo: Vẫn còn đang làm ăn, chừng nào lãi to thì sẽ trả gấp đôi, bố mẹ thèm ăn gì hay xảy ra chuyện gì thì cũng chúng con lo chứ ai lo. Thực tế thì như tôi nói ở đầu bài, đến tuổi này rồi mà vợ chồng bác tôi vẫn phải kiếm tiền sinh hoạt.
Thế mới nói, nhiều người khi thấy người già khó khăn, không có tiền thì quy chụp là do lúc trẻ không tích góp, không làm ăn. Thử hỏi bao nhiêu tiền thì đưa cho con cái hết rồi thì tiền đâu mà tiêu lúc già?
Tiền của cha mẹ là tiền của con cái, nhưng tiền của con cái chưa chắc là của bố mẹ. Lẽ dĩ nhiên, cha mẹ nào cũng thương con, cho con mượn tiền là sẽ đi mất luôn.
Phúc Trương
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.