Xã hội đã thay đổi, và sẽ còn thay đổi. Nếu ngày xưa là "sinh con đẻ cái để về già còn có người trông coi mồ mả ông bà"... thì này quan niệm của nhiều người là "sinh con đẻ cái làm niềm vui". Cho nên "nếu vui" thì mới đẻ chứ không phải "đẻ rồi cố mà vui".
Có một gia đình hạnh phúc đó là "phúc" của một cá nhân. Nhưng như vậy không có nghĩa là "lập gia đình sẽ hạnh phúc". Sinh con đẻ cái, rồi làm khổ cha khổ mẹ, khổ chồng, rồi khổ cả đứa con, khổ cả chính bản thân thì thà "đẻ ra quả trứng mà ăn".
Nhiều người sẽ cho rằng "thà cứ khổ trước rồi sướng sau", nhưng ai đảm bảo việc có được "sướng sau" hay không? Thời nay dân trí phát triển, người ta dễ dàng tính toán được hệ quả, hậu lụy và tỷ lệ phần trăm thành công của bạn. Hỏi rằng có ai dám đặt cược cả gia sản, công sức cả đời mình để đầu tư vào một dự án mà tỷ lệ thành công còn thấp hơn 50%?
Cho nên, mới có khái niệm "nếu phải hối hận thì ít ra hãy hối hận vì quyết định của bản thân." Nếu tôi về già mà cô độc, và hối hận thì ít ra tôi cũng vui hơn nếu tôi cũng cô độc nhưng là bị gia đình bỏ rơi, và hối hận vì ngày xưa "nhắm mắt xuôi chân" chỉ vì lời "xúi dại" của ai đó.
Tóm lại, hôn nhân gia đình cũng giống như một khoản đầu tư lớn để đảm bảo an toàn cho bản thân trong tương lai. Việc quyết định chơi tất tay hay không là của mỗi cá nhân dựa trên hoàn cảnh cá nhân của họ. Chứ không còn là do sắp xếp của ông bà như ngày xưa nữa.
Và đây là giai đoạn mà khái niệm "trại dưỡng lão" xuất hiện ở các nước đang phát triển. Hồi còn trẻ, tôi cũng từng tranh luận khá nhiều với những "nhà xã hội học tự phong" rằng trại dưỡng lão có ý nghĩa như thế nào?
Nhiều người nhìn vào mô hình ở phương Tây mà cho rằng, đây là nơi mà con cái chối bỏ trách nhiệm của gia đình, tước đi sự tự do của ông bà, bỏ mặc đấng sinh thành cho sự ích kỷ riêng của bản thân.
Nhưng cho đến giờ, nhìn vào xã hội, tôi vẫn giữ nguyên quan điểm cũ: "Không có thứ gì tự nhiên sinh ra cả". "Viện dưỡng lão" là kết quả khi xã hội bị thúc đẩy đến quay cuồng trong sự "công nghiệp hóa", khi người con "không thể", tôi xin nhấn mạnh lại rằng "không thể" vừa lo cho gia đình, vừa cho sự nghiệp, lại còn hiếu thuận với bố mẹ.
Việc để cho ông bà tự lo ở chốn thôn quê, để rồi có chuyện xảy ra thì chẳng ai hay, hay "nhốt" vào một nơi mà có người chăm lo tận tụy sẽ tốt hơn? Nói thật, tôi cũng không chắc lắm...
Nhưng tôi cho rằng, "viện dưỡng lão" là kết quả của "sự hiếu thuận" của con cái, ít nhất là vì họ không đành lòng bỏ mặc đấng sinh thành tự lo tự diệt... chứ tuyệt nhiên không phải là "nơi chối bỏ trách nhiệm" như các bạn của tôi từng tranh luận.
Master Harem
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.