Biện pháp hạn chế này dường như bắt đầu từ năm 2012, khi quốc hội Mỹ và Liên Hợp Quốc ngày càng báo động về hoạt động tuyển mộ thành viên của các nhóm khủng bố trên mạng xã hội. Facebook khi đó ban hành lệnh cấm đối với "các tổ chức từng có hoạt động khủng bố hoặc bạo lực".
Lệnh cấm này sau đó được mở rộng thành chính sách "Cá nhân và Tổ chức nguy hiểm" (DIO), một danh sách đen mà mạng xã hội gần ba tỷ người dùng này tự lập ra và ngày càng mở rộng.
Tần suất Facebook áp dụng DIO những năm gần đây cũng tăng chóng mặt, thậm chí từng được dùng để trừng phạt cả tổng thống Mỹ Donald Trump và trở thành công cụ che chắn hữu hiệu mỗi khi Facebook vướng vào cáo buộc liên quan đến các vụ bạo lực trên thế giới.
Tuy nhiên, nhiều nhà phê bình cáo buộc Facebook biến DIO thành một "nắm đấm sắt" để trừng phạt những người dùng nhất định. Danh sách đen của họ đã mở rộng lên tới hơn 4.000 cá nhân và tổ chức, bao gồm nhiều chính trị gia, nhà văn, các tổ chức từ thiện, bệnh viện, hàng trăm nghệ sĩ và thậm chí nhiều người đã qua đời từ lâu.
Nhiều học giả và nhà hoạt động kêu gọi Facebook công khai danh sách DIO để người dùng biết khi nào bài đăng của họ có thể vi phạm chính sách, nhưng công ty từ chối. Lý do Facebook đưa ra là việc công khai danh sách đen có thể gây nguy hiểm cho nhân viên và tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức liên quan tìm cách lách luật.
"Facebook đang khiến người dùng không biết phải làm thế nào, khi yêu cầu họ không đăng bài về các tổ chức, cá nhân nguy hiểm, nhưng lại không chịu công khai danh sách đen đó", Faiza Patel, đồng giám đốc chương trình tự do và an ninh quốc gia tại Trung tâm Công lý Brennan thuộc Trường Luật Đại học New York, nói.
Một bản sao DIO của Facebook mà The Intercept có được cho thấy danh sách đen này dường như liên quan nhiều tới những lo lắng, quan ngại về chính trị và chính sách đối ngoại của Mỹ kể từ sau vụ khủng bố 11/9. Phần lớn trong danh sách là những đối tượng bị Mỹ và đồng minh coi là kẻ thù hoặc mối đe dọa.
"Chúng tôi không muốn thấy những kẻ khủng bố, các nhóm thù địch hoặc tổ chức tội phạm trên nền tảng này. Đó là lý do chúng tôi cấm họ và xóa những nội dung ca ngợi, ủng hộ hoặc tuyên truyền", Brian Fishman, giám đốc chính sách chống khủng bố và tổ chức nguy hiểm của Facebook, nói.
Một nhóm hơn 350 chuyên gia của Facebook đang chịu trách nhiệm ngăn chặn các nhóm trong danh sách đen và đánh giá các mối đe dọa mới xuất hiện, theo Fishman.
"Chúng tôi hiện cấm hàng nghìn tổ chức, bao gồm hơn 250 nhóm cực đoan da trắng ở cấp độ cao nhất trong chính sách và thường xuyên cập nhật chính sách, cũng như các tổ chức đủ tiêu chí liệt vào danh sách cấm", Fishman nói thêm.
Tuy nhiên, chính sách của Facebook lại "lỏng tay" với những bình luận về các nhóm dân quân theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng tại Mỹ hơn những cá nhân, tổ chức bị coi là khủng bố, chủ yếu đến từ Trung Đông, Nam Á và người Hồi giáo, cũng như những "tập đoàn tội phạm" liên quan nhiều đến người da màu và gốc Latin, các chuyên gia nhận định.
"Điều này cho thấy Facebook dùng nắm đấm sắt với một số nhóm, trong khi kiềm chế hơn với những cá nhân, tổ chức khác", Angel Diaz, giảng viên Trường Luật Đại học California tại Los Angeles (UCLA), nói.
Chính sách DIO dựa trên những gì mà công ty từng mô tả, đó là tập hợp các cá nhân, tổ chức đe dọa hoặc liên quan tới các vụ bạo lực. Danh sách đen được chia thành các danh mục gồm thù ghét, tội phạm, khủng bố, phong trào xã hội quân sự hóa và các tác nhân bạo lực phi quốc gia. Các mục này được phân theo hệ thống ba cấp dựa trên quy tắc của Facebook, trong đó mỗi cấp tương ứng với các hạn chế về phát ngôn ở mức độ nghiêm trọng khác nhau.
Bất kể ở cấp nào, cá nhân hoặc tổ chức trong danh sách đen DIO đều không được phép hiện diện trên các nền tảng của Facebook, đồng thời người dùng cũng không được phép tự nhận là thành viên của bất kỳ nhóm nào trong danh sách.
Cấp một là cấp nghiêm trọng nhất, gồm các nhóm bị cáo buộc là khủng bố, thù ghét, tội phạm. Danh mục tội phạm của cấp một gần như bao gồm toàn bộ các băng đảng đường phố người Mỹ và các băng đảng ma túy Mỹ Latin. Danh mục khủng bố, chiếm 70%, bao gồm chủ yếu các tổ chức, cá nhân Trung Đông và Nam Á, trong đó phần lớn lấy trực tiếp từ danh sách khủng bố của chính phủ Mỹ. Có gần 500 nhóm thuộc danh mục thù ghét của cấp một, trong đó có hơn 250 tổ chức cực đoan người da trắng.
Với cấp một, người dùng không được phép bày tỏ bất kỳ điều gì được cho là khen ngợi hay ủng hộ nhóm, cá nhân thuộc phân cấp này, dù là hoạt động bất bạo động.
Cấp độ hai "nhân tố bạo lực phi quốc gia" bao gồm chủ yếu các nhóm vũ trang chống chính phủ, như các phe phái trong nội chiến Syria. Người dùng có thể khen ngợi các nhóm trong cấp này, nhưng không được thể hiện "bất kỳ ủng hộ thực chất nào" với họ.
Cấp độ ba dành cho các nhóm không có hành vi bạo lực nhưng liên tục có phát ngôn thù ghét, sẵn sàng tham gia bạo lực hoặc liên tục vi phạm chính sách DIO. Người dùng Facebook có thể tự do thảo luận về nhóm này nếu muốn.
"Danh sách dường như tạo ra hai hệ thống tách biệt, trong đó các hình phạt nặng nhất được áp dụng với các cộng đồng, khu vực Hồi giáo", Patel nói. "Sự khác biệt giữa nhóm cấp một và cấp ba cho thấy Facebook cũng giống như chính phủ Mỹ, xem người Hồi giáo là nguy hiểm nhất".
Nhiều người cho rằng Facebook phân biệt đối xử khi phân cấp can thiệp, nhưng người phát ngôn của công ty phản bác, nói rằng họ chỉ dựa trên hành vi của các cá nhân, tổ chức trong danh sách đen.
"Nếu nhóm người Mỹ có đủ các tiêu chí của chúng tôi về khủng bố, họ sẽ được phân loại là tổ chức khủng bố. Hoặc nếu họ có đủ tiêu chí về hành vi thù ghét, họ cũng sẽ được xếp vào nhóm đó", người phát ngôn Facebook cho hay.
Tuy nhiên, các nhà quan sát cho biết số nhóm khủng bố có trụ sở ở Bắc Mỹ hoặc Tây Âu chỉ chiếm vài chục trong tổng số hơn một nghìn nhóm trong danh sách đen Facebook.
Facebook cũng có những tài liệu nội bộ để hướng dẫn đội kiểm duyệt phân loại các bài đăng về cá nhân, nhóm trong danh sách đen. Không chỉ là các định nghĩa về thuật ngữ như "khen ngợi", "ủng hộ" hay "đại diện", tài liệu nội bộ còn đưa ra nhiều ví dụ chi tiết cho các vi phạm chính sách DIO.
"Một người bình luận có thể ca ngợi lời hứa của Taliban về một chính phủ bao trùm trên truyền hình, nhưng không thể trên Facebook", Patel nói.
Gần đây, chính sách DIO đã được Facebook áp dụng với Taliban, sau khi nhóm này nắm quyền kiểm soát thủ đô Kabul của Afghanistan. Facebook thông báo cấm Taliban hiện diện trên các ứng dụng của họ, điều có thể hạn chế nghiêm trọng khả năng thảo luận của công chúng về lực lượng này.
Ngoài ra, Facebook còn có nhiều sự cố khác cho thấy chính sách DIO không phải là công cụ kiểm duyệt nội dung hiệu quả. Hồi tháng 5, Facebook xóa hàng loạt bài đăng của người Palestine về vụ bạo lực ở nhà thờ Al Aqsa, vì nhân viên kiểm duyệt nhầm địa danh này với một tổ chức cũng có chữ Al Aqsa thuộc danh sách DIO.
"Chúng ta đã đến một giai đoạn mà Facebook không chỉ tuân thủ hoặc lặp lại chính sách của Mỹ, mà còn vượt ra ngoài phạm vi đó", Jillian York, giám đốc về tự do ngôn luận quốc tế tại Tổ chức Biên giới Điện tử, nói. "Chúng ta đừng quên rằng không ai bỏ phiếu bầu cho Mark Zuckerberg, một người chưa từng đảm nhận trọng trách nào ngoài chức CEO của Facebook".
Thanh Tâm (Theo The Intercept)